Danh thắng quốc gia động Hàm Rồng (Mường Khương, Lào Cai):

Mọi đường vào đều bị “phong tỏa”

KHẢI HƯNG; Ảnh: NT

VHO - Là di tích danh thắng quốc gia từ năm 2003, nhưng trong suốt thời gian dài, người dân và du khách gặp vô vàn gian nan, nguy hiểm khi muốn tiếp cận, khám phá động Hàm Rồng (huyện Mường Khương, Lào Cai).

Mọi đường vào đều bị “phong tỏa” - ảnh 1

 Đường vào danh thng quc gia động Hàm Rồng... là đây

Đáng nói hơn, danh thắng này đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm, phá vỡ cảnh quan, không gian…

Từ thắng địa nơi “cổng trời”…

Xuất phát từ TP Lào Cai chạy theo quốc lộ 4D ngược lên phía Đông Bắc khoảng 50km, du khách sẽ đến địa phận huyện Mường Khương, nơi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, có nhiều hệ thống hang động, thác nước như hang Hàm Rồng (thị trấn Mường Khương), hang Na Măng (Pha Long), hang Nấm Oọc (Nấm Lư), hang Séo Tủng (Tung Chung Phố), hang Ngựa Thần (Tả Ngài Chồ), thác Cây 2, núi Cô Tiên, núi Pháo Đài (TT Mường Khương), thác Văng Leng, Páo Tủng (Tung Chung Phố), thác Na Pao (Bản Lầu)... Trong đó, nổi bật nhất là động Hàm Rồng, được xếp hạng là Di tích thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 15/2003/ QĐ-BVHTT ngày 14.4.2003.

Người dân địa phương kể rằng, động Hàm Rồng được ví như “thắng địa nơi cổng trời”. Động nằm ngay dưới chân núi Hàm Rồng (thôn Na Bủ, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương), cách trung tâm huyện lỵ khoảng 2km. Đây là một hang động lớn nằm trong lòng núi đá vôi. Sở dĩ có tên là Hàm Rồng vì theo truyền thuyết và những câu chuyện dân gian thì trong động có một con rồng rất to thường hay xuất hiện mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhìn từ xa, ngọn núi Hàm Rồng trông như một cái miệng khổng lồ hướng lên trời. Tương truyền, đó là đầu rồng đã hóa thành đá. Tại một bên vách núi có cửa hang rất lớn được gọi là hang Hàm Rồng.

Bà con cho biết, sâu vào trong động có nhiều thạch nhũ màu bạc trong suốt, đan xen nhau tạo thành bức màn gió óng ánh phản chiếu. Hai bên vách động là những nhũ đá với đa dạng hình thù như con dê đang ăn cỏ, con chim đang bay lượn, những ô ruộng bậc thang, nông cụ sản xuất, bàn, ghế… Giữa hang động là khối hình trụ tròn giống đầu ông Bụt với khuôn mặt phúc hậu, hiền lành; có chỗ trông như bàn cờ tiên hay cửa buồng công chúa... Càng vào sâu trong hang, cảnh vật càng uy nghi lộng lẫy, lung linh sắc màu. Bên cạnh đó, động Hàm Rồng còn chứa đựng nhiều yếu tố dân gian phong phú, hấp dẫn, phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Mường Khương.

Đó là câu chuyện kể bên men say chén rượu, còn muốn khám phá Hàm Rồng, chúng tôi phải… leo ngược lên “cổng trời”.

Mọi đường vào đều bị “phong tỏa” - ảnh 2

Khu đô thị mới khi xây dựng xong sẽ “phong tỏa” tầm nhìn vào cửa hang

… đến thắng cảnh không lối vào

Lời mời gọi hấp dẫn đã thôi thúc chúng tôi lên đường đến với nơi địa đầu Tổ quốc. Nhìn từ xa, các thôn, bản thấp thoáng trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Nhưng, tìm được hang Hàm Rồng chẳng khác nào lời thách đố… lên trời. Theo thói quen của công dân thời đại 4.0, chúng tôi truy cập ứng dụng Google Map để tìm động Hàm Rồng. Câu trả lời là “cách khoảng 100km”, nhưng lại là núi Hàm Rồng của thị xã Sa Pa. Nói thế để thấy, hang Hàm Rồng của huyện Mường Khương không hề được định danh trên ứng dụng tìm đường phổ biến nhất hành tinh, với hơn 1 tỉ lượt truy cập mỗi tháng.

Không thể ứng dụng công nghệ, đáng nói hơn, trên đường đi cũng chẳng có lấy một chiếc biển chỉ dẫn, giới thiệu về di tích danh thắng quốc gia, chúng tôi đành tìm theo cách nguyên thủy là “đường đi ở miệng”. Cứ mỗi ngã ba, chúng tôi lại ghé vào hỏi đường. Người thì chỉ xuôi, kẻ lại chỉ ngược, vì động Hàm Rồng có hai cửa hang chính nối liên hoàn cách nhau khoảng 1km. Một cửa khô và một cửa nước.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, hóa ra “cửa nước” của danh thắng quốc gia cách nơi chúng tôi lưu trú (một khách sạn không ra khách sạn, nhà nghỉ chẳng ra nhà nghỉ, nằm đối diện bến xe cũ Mường Khương) không xa. Một trong hai cổng chính của hang ẩn mình ngay sau cái bến tiêu điều ấy. Để tiếp cận, chúng tôi phải mất chừng nửa giờ đồng hồ dò dẫm theo đường “tiểu ngạch”, tức là men trên bờ ruộng sình lầy sau mùa gặt. Con đường ấy cũng chỉ dẫn đến cách cổng hang độ 20m và không thể tiến lên vì cây cỏ um tùm che kín lối đi. “Du khách” duy nhất lầm lũi tiến vào động Hàm Rồng là dòng sông Chảy, nước cuồn cuộn đổ vào miệng hang rồi đổ ra thác Páo Tủng (hay còn gọi thác Hàm Rồng), với độ cao hàng trăm mét, tạo nên cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ. Thác Hàm Rồng đẹp như thế nào, có lẽ xin khất độc giả đến một bài viết khác, cho dù chữ nghĩa chật hẹp không thể nào lột tả hết được.

Những háo hức tham quan, khám phá thắng cảnh quốc gia hừng hực là thế đành phải gác lại đến hôm sau để đi bằng đường “chính ngạch” vào từ cửa khô - cổng chính còn lại của động Hàm Rồng nằm ngay trên tỉnh lộ 153. Niềm háo hức ngắn chẳng tày gang, bởi phải mất hai lần qua lại theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi mới tìm ra cửa hang. Vẫn không biển chỉ dẫn, không bảng giới thiệu và càng không có đường đi xuống. Hang Hàm Rồng sâu hun hút, vừa mời gọi vừa thách thức du khách hiếu kỳ. Rốt cuộc, chúng tôi đành phải chịu thua vì muốn xuống phải cần dụng cụ của những nhà thám hiểm chuyên nghiệp. Và thế là, tham quan động Hàm Rồng vẫn là điều không tưởng, dù đã nằm ngay trước mắt.

Cải tạo hay “phong tỏa”?

Theo Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai, trung tuần tháng 5.2023, UBND huyện Mường Khương đã đi khảo sát, đánh giá hiện trạng, tiềm năng khu quần thể động Hàm Rồng và có kế hoạch cụ thể về việc bảo tồn danh thắng, xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp, khai thác tiềm năng phát triển du lịch.

Kế hoạch chưa thấy đâu, chỉ thấy cách cửa hang chừng 200m, một khu đô thị mới đang hối hả san lấp mặt bằng. Khi khu đô thị này hình thành, những căn nhà mới được xây lên sẽ kết hợp cùng các tòa nhà cũ tạo thành hàng rào chắn ngang tầm mắt du khách nhìn vào động Hàm Rồng. Vốn đã khó đi, Hàm Rồng sẽ càng trở nên cách trở. Khu đô thị được san lấp và xây dựng thật nhanh, nhưng một di tích thắng cảnh cấp quốc gia được công nhận từ năm 2003, suốt hơn 20 năm qua lại chẳng hề được các cấp quản lý địa phương đầu tư, cải tạo hay phát triển như từng hứa hẹn, thậm chí đến biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu cũng chưa từng có!

Ghi lại những điều trên, gặp một cán bộ, chúng tôi thắc mắc “giá trị lịch sử, văn hóa và địa mạo, địa chất của động Hàm Rồng là vậy, sao mọi tuyến đường vào hang đều bị phong tỏa?!”. Bên chén rượu mờ sương, những cái lắc đầu quầy quậy càng khiến chúng tôi khó hiểu.

“Ai sẽ dỡ bỏ phong tỏa cho động Hàm Rồng” là câu hỏi chưa có người trả lời! 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc