Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu

XUÂN HƯỚNG

VHO - Khánh Hòa đang rộn ràng chuẩn bị, mở hội Tháp Bà Ponagar 2025, đón chào những trái tim hướng về cội nguồn, cùng nhau hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh thiêng liêng, độc đáo. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà là một hành trình trở về miền tâm linh huyền diệu, nơi tín ngưỡng ngàn đời thăng hoa, kết nối con người với những giá trị thiêng liêng.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 1
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 16-22.4 (19-25.3 âm lịch), tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar Nha Trang linh thiêng sẽ đón chào dòng người từ khắp nơi, cùng nhau hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo, lắng đọng.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025 mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, với những nghi lễ trang trọng, thành kính. Đặc biệt tại đây sẽ có hàng loạt nghi lễ thiêng liêng gồm:

Lễ rước nước (19.3 âm lịch): Đoàn rước nước khởi hành từ Tháp Bà Ponagar đến chùa Hang (Hải Ấn), lấy nước thiêng, mang về dâng lên Nữ thần Ponagar.

Lễ mộc dục (20.3 âm lịch): Lễ thay xiêm y cho Thánh Mẫu tại Tháp Chính, với nước tắm tượng từ rượu và hoa thơm, thể hiện lòng thành kính.

Lễ rước kiệu, lễ cầu siêu, lễ thả hoa đăng và khai mạc lễ hội (20/3 âm lịch): Kiệu Thánh Mẫu diễu hành qua các tuyến phố, lễ cầu siêu và thả hoa đăng trên sông Cái, cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc lễ hội.

Lễ cầu quốc thái dân an và lễ cúng thí thực (21.3 âm lịch): Cầu nguyện cho quốc thái dân an, và nghi lễ cúng thí thực, thể hiện lòng biết ơn và mong ước bình an…

Lễ vật truyền thống: Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương và các món ăn truyền thống. Các lễ vật chuẩn bị cho Lễ Cầu an tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar sẽ bao gồm: bàn tổ, gà, dê, mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng, nến làm từ sáp ong và trầm.

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ thực hiện truyền dạy thực hành nghi lễ tại di tích Tháp Bà chuẩn bị cho việc thực hành nghi lễ, tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho biết: Lễ hội Tháp Bà Ponagar mở đầu cho hàng loạt lễ hội trong năm của người Chăm; là một trong những lễ hội lớn và quan trọng đối với cộng đồng người Chăm, diễn ra hàng năm tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 2
Lễ Thay y

Lễ được tổ chức nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, cũng như xua đi những cái xấu xa của năm cũ để đón lấy những điều may mắn trong năm mới... cho cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân.

Đây cũng là dịp để cộng đồng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh đã che chở, bảo vệ cộng đồng người Chăm qua bao thế hệ.

Điểm mới của lễ hội năm nay là có thêm nghi thức dâng trầm và dâng yến, dâng hoa cho Mẫu sáng ngày 19.4 sau khi Lễ Cầu Quốc thới dân An của cộng đồng nhân dân; nghi thức rước nước cổ truyền từ Chùa Hang về tắm Mẫu trong lễ thay Y; nghi thức cúng Cầu An của đồng bào dân tộc Chăm.

 Ban tổ chức còn tăng số lượng thả hoa đăng trong lễ thả hoa đăng trên sông Cái…

Khánh Hòa, mảnh đất linh thiêng, không chỉ có Tháp Bà Ponagar mà còn có hơn 160 đình, lăng, miếu, chùa, tháp phối thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Hơn 150 đạo sắc phong từ thời vua Minh Mạng đến vua Khải Định là minh chứng cho công đức của Thánh Mẫu, che chở, bảo vệ cộng đồng.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 3
Nghi lễ rước kiệu Thánh Mẫu

Tháp Bà Ponagar là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật của Vương quốc Champa cổ, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII.

Nơi đây là trung tâm tôn giáo thờ Nữ thần Ponagar, người Mẹ Xứ Sở của dân tộc Chăm, đến thế kỷ XVII được cộng đồng người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Di tích có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháp Bà Ponagar, biểu tượng văn hóa ngàn đời, là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm độc đáo. Nơi đây, tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng được lưu giữ và phát huy, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho bao thế hệ.

Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị trường tồn của một nét đẹp tâm linh, văn hóa.

Dấu ấn thời gian hằn sâu trên những ngọn tháp rêu phong, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Từ thế kỷ VIII, Tháp Bà Ponagar đã là nơi nương tựa tâm linh của người Chăm, là trung tâm thờ Mẹ Xứ Sở duy nhất còn tồn tại từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 4
Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 5
Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 6
Nghi lễ đặc sắc trong lễ hội
Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 7
Đông đảo người dân, du khách đến với lễ hội
Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 8
Lễ thả hoa đăng
Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2025: Hành trình về miền tâm linh huyền diệu - ảnh 9
Lễ cầu Quốc thái dân an

Đến nay, tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na vẫn được người Việt trân trọng, gìn giữ, tạo nên sự hòa quyện độc đáo giữa hai nền văn hóa.

Hàng năm, vào những ngày tháng Ba âm lịch, Tháp Bà Ponagar lại rộn ràng đón hàng ngàn người con từ khắp nơi trở về. Những đoàn dân vũ, câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng, cùng với người dân địa phương, cùng nhau dâng lên những nghi lễ trang trọng, thành kính.

Hàng năm, Tháp Bà Ponagar thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, đem về nguồn thu hàng chục tỉ đồng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc