Lễ hội “độc nhất vô nhị” về trẻ mục đồng

NGỌC HÀ

VHO - Với nhiều ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là sự kiện tôn vinh trẻ chăn trâu duy nhất ở nước ta, đây cũng là nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang trong việc giữ gìn, khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại.

 Lễ hội “độc nhất vô nhị” về trẻ mục đồng - ảnh 1

Quay trở lại sau nhiều năm, “Lễ hội Mục đồng” được bà con các chư phái tộc huyện Hòa Vang tự hào hưởng ứng

 Tiếp nối truyền thống “Tam niên nhất lệ” của Lễ tế Thần Nông làng Phong Lệ, trong hai ngày 7 và 8.5 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang cùng ngành Văn hóa huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Châu đã tổ chức thành công Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân và đông đảo du khách gần xa.

Đề cao tinh thần đoàn kết

Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu đánh giá: Thành công của Lễ hội đã tạo nên hiệu ứng tích cực, quảng bá những giá trị truyền thống đặc sắc trong đời sống văn hóa người dân làng Phong Lệ đến bạn bè, du khách. Đây là những giá trị to lớn mà bà con và chính quyền địa phương được thụ hưởng. Lễ hội là hoạt động mang tính dấu ấn nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, đề cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, gánh vác của 19 chư phái tộc anh em trong suốt chiều dài lịch sử, hướng tới mục tiêu xây dựng làng Phong Lệ ấm no, thịnh vượng.

“Sau nhiều năm chờ đợi, Lễ hội lần này được tổ chức quy mô lớn, với sự tham gia đầy trách nhiệm và đoàn kết của cả 19 chư phái tộc làng Phong Lệ. Thông qua các hoạt động này, làng đã được đông đảo công chúng biết đến với tư cách là một cộng đồng nông nghiệp có lễ hội độc đáo, đặc biệt mà không nơi nào có được. Việc phục dựng thành công Lễ hội Mục đồng là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa đa dạng của dân tộc, gìn giữ các giá trị vững bền trong cộng đồng dân cư”, ông Lê Đức Hùng tự hào chia sẻ.

Lễ hội Mục đồng gắn với đình Thần Nông làng Phong Lệ, nơi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2007. Tổ chức lần cuối cùng vào năm 1936, sau gần một thế kỷ gián đoạn, nay Lễ hội đã được phục dựng và tổ chức vào các năm 2007, 2010 và 2014. Với tâm thức thành kính và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Lễ hội đã đem đến cho người dân, du khách, bạn bè gần xa những trải nghiệm độc đáo qua các nghi thức dâng cúng và rước mục đồng qua ruộng lúa, bìa làng đầy sống động, độc đáo, giúp quá khứ xa xăm hiện về rất gần trong cuộc sống hôm nay...

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang chia sẻ về ý nghĩa của tên gọi Lễ hội Mục đồng: “Theo lời các chư lão truyền lại, mục đồng là những đứa trẻ chăn trâu chơi rất thân với Thần Nông. Đây là vị thần gắn liền với đồng ruộng, ngài đi qua ruộng lúa nhà nào thì sẽ mang lại điều may mắn, phù hộ cho nhà đó có một mùa màng tươi tốt. Những năm trước, Lễ hội thường diễn ra vào tháng 4 khi lúa đã gặt xong, đồng ruộng thênh thang và được tổ chức liên tục trong 3 ngày, rước đuốc 3 đêm, băng qua các cánh đồng của tất cả gia đình để mong cầu Thần Nông giáng xuống...”.

 Lễ hội “độc nhất vô nhị” về trẻ mục đồng - ảnh 2

Những cô bé đáng yêu trong trang phục mục đồng thời xa xưa

“Chất liệu” bền vững cho du lịch tương lai

Đến làng Phong Lệ tham dự Lễ hội Mục đồng, du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật, linh vật được bà con chuẩn bị chu đáo để dâng lên các thần linh, nhằm gửi gắm ước nguyện, mong cầu tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng. Điểm độc đáo của Lễ hội là du khách sẽ bắt gặp những cô bé, cậu bé trong trang phục chăn trâu thời xa xưa rất đáng yêu, vô tư nô đùa dưới đồng ruộng. Năm nay, sự kiện được tổ chức với 3 phần lễ và 1 phần hội, gồm: Rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông; Lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương; Lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ diễn ra trong suốt một ngày. Sôi nổi nhất là phần hội với những hoạt động thu hút cả dân làng và du khách tham gia như: Chấm cờ mục đồng dự thi của các tộc họ, khai mạc lễ hội, lễ rước mục đồng, hát mừng mục đồng, dâng lễ cúng Thần Nông, cử hành nghi thức cúng tế, tổ chức các trò chơi của mục đồng, chấm mâm xôi gà của các tộc họ, bế mạc, giã bạn... Đặc biệt, phần hội không thể thiếu hát Mục đồng nhằm tạ ơn Thần Nông, các vị thần linh giáng hạ phù hộ cho nhân dân khỏe mạnh, ấm no, mùa màng tươi tốt.

Không chỉ có ý nghĩa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo “có một không hai”, Lễ hội Mục đồng còn là “chất liệu” bền vững để dệt nên bức tranh du lịch trong tương lai của huyện Hòa Vang. Tình cờ được cùng người dân tham gia sự kiện, du khách Nguyễn Đỗ Hoàng Kha (TP.HCM) nhận xét, Lễ hội đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn truyền thống văn hóa, đồng thời cũng đã đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thật nhất. “Tôi có những cảm xúc ấn tượng và cảm nhận khó quên khi được trực tiếp tham gia Lễ hội Mục đồng độc nhất vô nhị của cả nước. Tại đây, tôi và bạn bè đã được tìm hiểu và biết thêm kiến thức về truyền thống của người dân địa phương. Qua đó, chúng tôi thấy được sự đoàn kết, đùm bọc nhau của các họ tộc trong làng. Tôi nghĩ rằng nếu được duy trì tổ chức đều đặn thì đây sẽ là nét đẹp văn hóa vô cùng bền vững, mang lại giá trị tinh thần và vật chất không nhỏ cho bà con nơi đây”, anh Kha nói.

 Lễ hội “độc nhất vô nhị” về trẻ mục đồng - ảnh 3

Các chư phái tộc dâng lễ tại đình Thần Nông

Để giá trị Lễ hội được trường tồn giữa cuộc sống hiện đại, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Lê Đức Hùng bày tỏ mong muốn người dân cùng chung tay góp sức với chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. “Bà con phải luôn tự giác nêu cao ý thức tự tôn về làng quê mình, quan tâm xây dựng tộc họ ngày càng phát triển, có nhiều người tài để đóng góp cho xã hội. Phát huy bản sắc văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch, đó là cách vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững. Mong rằng những người cao niên, các vị trưởng tộc làm tốt hơn nữa công tác truyền dạy văn hóa, đạo lý cho thế hệ trẻ, để con cháu có được sự hoài niệm về quá khứ, về lòng yêu nước, có tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên, như vậy thì việc bảo tồn truyền thống văn hóa mới đem lại hiệu quả”, ông Hùng gửi gắm nguyện vọng tới bà con.

Được biết trong thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ triển khai đề án về xây dựng Làng văn hóa đặc trưng Phong Nam, đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ. Đây là cơ sở, động lực mạnh mẽ để địa phương thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực và nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, xã hội. Huyện Hòa Vang cũng thực hiện nhiệm vụ triển khai thí điểm xây dựng thôn Phong Nam - xã Hòa Châu trở thành làng kiểu mẫu có bản sắc riêng, hướng đến mục tiêu song song: Vừa giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa khuyến khích bà con chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giàu tính nhân văn, tạo nên các giá trị lớn để thu hút du lịch.