Lăng mộ hoàng đế Quang Trung tọa ở Nghệ An?

MAI THỤC LINH

VHO - Ở thành phố Vinh (Nghệ An) lại đang dấy lên câu chuyện đi tìm lăng mộ vua Quang Trung từ một số nhà nghiên cứu lịch sử, theo họ chúng ta không nên để việc này chìm sâu vào quên lãng.

Lăng mộ hoàng đế Quang Trung tọa ở Nghệ An? - ảnh 1
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết - Phượng hoàng Trung Đô (Vinh, Nghệ An)

 Tuy nhiên vấn đề lại không hề đơn giản bởi bao nhiêu năm qua, nhiều nhà nghiên cứu rất tâm huyết đã dày công đi trên hành trình đầy ý nghĩa này, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Trước đây, nhiều giả thuyết lăng mộ chủ yếu tập trung ở Huế, song cũng có một số quan tâm khu vực khác ở ngoài Huế, trong đó có thành phố Vinh.

Những giả thuyết được đưa ra

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ cho rằng, vì Phú Xuân (Huế) là nơi Quang Trung lên ngôi hoàng đế, nơi đóng đô, điều hành đất nước, trút hơi thở cuối cùng và có lăng chính thức, vì thế theo lô gíc thông thường thì vua Quang Trung phải được mai táng tại Huế.

Từ lâu có ý kiến lại cho rằng, nơi chôn cất của Hoàng đế Quang Trung ở tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế).

Khu vực này, trước đây là cung điện Đan Dương và có lăng mộ của vua Quang Trung tên là Đan Lăng.

Thế nhưng, đầu tháng 10.2016, Viện Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế mở sáu hố thăm dò ở Dương Xuân, nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu tích…

Cũng theo diễn tiến, tháng 5.2011, thành phố Vinh (Nghệ An) tổ chức hội thảo khoa học về Phượng hoàng Trung Đô trong đó có giả thuyết lăng mộ vua Quang Trung được đặt ở Nghệ An, Ban tổ chức hội đã mời ông Nguyễn Đắc Xuân tham gia với tư cách là nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian đi tìm lăng mộ vua Quang Trung.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã gửi thư cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An để phản bác tất cả giả thuyết cho rằng lăng mộ vua Quang Trung có thể có ở Phượng hoàng Trung Đô.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Vua Gia Long đã quật mồ vua Quang Trung để trả thù cho chín đời chúa Nguyễn.

Ngoài trả thù, việc quật mồ cũng nhằm để diệt tuyệt sự trỗi dậy của nhà Tây Sơn. Đất Phú Xuân là của nhà Nguyễn nên luôn có người ở lại theo dõi mọi động tĩnh.

Như bà Ngọc Tuyên, là cô ruột Nguyễn Ánh dưới vỏ bọc bà vãi Vân Dương, đã làm nội gián cho Nguyễn Ánh để lấy thông tin và dụ hàng nhiều nhân tài của Tây Sơn...

Khi các tướng Tây Sơn ra hàng Nguyễn Ánh như tướng Lê Chất, Ngô Văn Sở… thì họ phải chỉ cho Nguyễn Ánh nơi chôn cất của vua Quang Trung, nếu chỉ sai sẽ bị chém đầu.

Trong thời gian hai tháng chịu tang Hoàng đế Quang Trung, ở Phú Xuân nội bất xuất ngoại bất nhập nên không thể đưa thi hài vua đi ra khỏi thành được.

Tuy vậy, những ý kiến, lập luận này đã nhận phải nhiều phản bác khác nhau từ một số nhà nghiên cứu.

Hé lộ lăng mộ vua Quang Trung?

Nhiều ý kiến cho rằng, vua Quang Trung là một người sáng suốt lại hiểu rõ mình có nhiều kẻ thù nên ngay khi còn sống, ông đã lệnh cho hạ cấp trung thành xây dựng lăng mộ ở một nơi bí mật.

Vì vậy, lăng mộ mà Nguyễn Ánh quật lên chỉ là mộ giả do vua Quang Trung tạo ra. Đó là căn cứ để nhiều nhà nghiên cứu đi tìm phần mộ của vua Quang Trung.

 Được biết, ngày 11.7.2012, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc “Xin ý kiến chỉ đạo việc phục hồi di tích Phượng hoàng và tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung”. Văn bản gửi có đoạn nêu rõ: “UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An phối hợp với Thừa Thiên Huế tiến hành tập hợp các nhà khoa học, các nhà ngoại cảm, tâm linh, các thiết bị máy móc cần thiết, tiếp tục khảo sát thực địa; sau đó tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên sâu để tạo sự thống nhất cao”.

Được biết thành phố Vinh đã hai lần tổ chức hội thảo khoa học. Một là vào tháng 10.1997, thống nhất chọn ngày 10.10.1788 là ngày vua Quang Trung ra chỉ dụ xây Phượng hoàng Trung Đô làm ngày kỷ niệm thành phố Vinh. Lần thứ hai vào tháng 5.2011, hội thảo đề xuất phục dựng di tích lịch sử Phượng hoàng Trung Đô và tìm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An. Vì sao nơi đây được cho là nơi đặt lăng mộ của vua Quang Trung? Chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh. Ông Bản là nhà nghiên cứu khởi xướng cuộc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, lại là người tham mưu cho TP Vinh tổ chức một số cuộc hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng hoàng Trung Đô”. Ông Nguyễn Hữu Bản cho biết đã có thư phúc đáp tới nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Theo ông Bản, “Hoàng đế Quang Trung rất tin về mồ mả nên khi chiếm được thành Phú Xuân, ông đã cho quật mồ nhà Nguyễn để răn đe. Hơn nữa, Huế là đất cung phủ nhà Nguyễn cho nên vua Quang Trung không bao giờ lại chôn cất mình ở mảnh đất Phú Xuân”.

Ông Bản phân tích, nêu ra những căn cứ: Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung không thể ở tại phủ Dương Xuân, với lý do: Hoàng đế Quang Trung là người rất giỏi mưu lược như Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc giả hàng để cướp thành Quy Nhơn; đưa võ sĩ đóng vai thầy bói lọt vào thành Phú Xuân; cho cháu Phạm Công Trị đóng giả thay mình sang Tàu chúc thọ vua Càn Long; di chúc cho quần thần ở Thăng Long tạo mộ giả để vua Thanh sang viếng.

Do đó Quang Trung không dễ dàng để mộ mình ở Dương Xuân (Huế) bị phát hiện khai quật nhanh như vậy.

Lăng mộ hoàng đế Quang Trung tọa ở Nghệ An? - ảnh 2

Căn cứ thứ hai, khi ra Bắc đại phá quân Thanh và duyệt binh ở Nghệ An cũng như khi sắp qua đời, vua Quang Trung chỉ dụ cho Quang Toản và Trần Quang Diệu là người thân tín nhất, có quyền lực nhất đang cai quản Trung Đô rằng: “Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm dời về Vinh Đô (tức Phượng Hoàng - Trung Đô) để khống chế thiên hạ, không như thế khi quân Gia Định đến, bọn ngươi không có chỗ chôn thây”. Căn cứ thứ ba, sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời 3 tháng, lễ phát tang mới được thực hiện.

Trong thời gian đó “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đường bộ, đường biển đi ra phía Bắc đều cấm, đủ thời gian và điều kiện để xây mộ giả ở Huế và chuyển thi hài Hoàng đế Quang Trung ra Nghệ An.

Những phân tích, lập luận nêu ra những cơ sở như thế, rõ ràng bản thân Quang Trung không muốn nằm xuống ở Phú Xuân và yêu cầu giữ tuyệt đối bí mật lăng mộ và thi hài của mình.

Ông Nguyễn Hữu Bản cho biết, “năm 2011, Viện Khảo cổ giới thiệu cho UBND TP Vinh mời ĐH Quốc gia Hà Nội mang một máy dò địa vật lý từng tham gia công tác khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vào khảo sát.

Khi các chuyên gia mang máy lên sân dò tìm, máy đã phát hiện một khối công trình nằm dưới độ sâu khoảng 5-6m phía cửa hậu khu di tích đền thờ Quang Trung”.

Cần tiếp tục tìm kiếm, xác minh

Từ đó đến nay, không rõ các nghiên cứu về việc thăm dò lăng mộ vua Quang Trung ngày đó như thế nào và có kế hoạch khai quật hay tiếp tục xác minh nữa không.

Một số ý kiến cho rằng, tạm thời không nên khai quật vị trí nghi ngờ có lăng mộ vua Quang Trung, nếu Hoàng đế Quang Trung muốn yên nghỉ thì chớ nên làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu đó của ngài.

Được biết, ngày 11.7.2012, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc “Xin ý kiến chỉ đạo việc phục hồi di tích Phượng hoàng và tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung”.

Văn bản gửi có đoạn nêu rõ: “UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An phối hợp với Thừa Thiên Huế tiến hành tập hợp các nhà khoa học, các nhà ngoại cảm, tâm linh, các thiết bị máy móc cần thiết, tiếp tục khảo sát thực địa; sau đó tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên sâu để tạo sự thống nhất cao”.

Từ đó cho đến nay, việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung vẫn diễn ra âm thầm trên đất Nghệ An với những giả thuyết mới.

Hiện một số nhà nghiên cứu lại đề nghị cơ quan chức năng có liên quan cần đứng ra tiếp tục tổ chức hội thảo, đối chiếu các văn bản sử liệu cùng với những tài liệu điền dã để xác minh vị trí, địa điểm lăng mộ vua Quang Trung nhằm có cách ứng xử khoa học, văn hóa. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc