Dân ca Quan họ Bắc Ninh:

Lan tỏa trong đời sống đương đại

QUỲNH HOA; ảnh: DƯƠNG HOÀN

VHO - Ngày 30.9.2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng chuyên môn UNESCO đã đánh giá cao những giá trị đặc biệt của Quan họ: Từ tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, bài bản, ca từ cho đến trang phục, phong cách ứng xử…, góp phần làm phong phú bức tranh đa dạng văn hóa Việt Nam và thế giới.

 Đánh dấu sự kiện quan trọng này, cuối tuần qua, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức chương trình nghệ thuật Sum họp trúc mai kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện đặc biệt này cũng đánh dấu cuộc hội ngộ của dân ca ba miền: Quan họ Bắc Ninh, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Chương trình có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và đông đảo người dân, du khách…

Lan tỏa trong đời sống đương đại - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng Bằng khen cho 5 tập thể xuất sắc trong bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ

Loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó mật thiết với nhân dân

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: Quan họ là loại hình hát đối đáp giao duyên độc đáo, thường diễn ra vào dịp lễ hội và các cuộc gặp gỡ tại vùng Kinh Bắc xưa. Không sử dụng nhạc đệm, Quan họ kết hợp lời ca, giọng điệu, phong tục và môi trường diễn xướng, tạo nên một loại hình nghệ thuật tổng hợp đầy sáng tạo.

Trong 15 năm kể từ khi được UNESCO ghi danh, Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực bảo tồn di sản. Tỉnh đã khôi phục không gian diễn xướng tại các làng Quan họ gốc, phát triển làng Quan họ thực hành, thành lập nhiều CLB và ban hành các chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ. Những hành động thiết thực này đã giúp duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa Quan họ, góp phần khẳng định vị trí di sản trong đời sống tinh thần và văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành và gần 400 CLB Dân ca Quan họ với hàng chục nghìn người tham gia, trong đó hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và quốc tế, hàng trăm CLB Quan họ đã được thành lập và hoạt động thường xuyên, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa rộng rãi của di sản.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự kết nối văn hóa ba miền trong sự kiện và khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo của Quan họ. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Việc được UNESCO ghi danh là minh chứng cho trách nhiệm của Bắc Ninh và Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản. Quan họ không chỉ sống mãi trong đời sống cộng đồng mà còn góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Thách thức và nỗ lực bảo tồn di sản

Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định: Những khó khăn như sự quan tâm của giới trẻ đối với nghệ thuật truyền thống dần mai một, đội ngũ nghệ nhân ngày càng cao tuổi trong khi thế hệ kế cận còn thiếu vắng, chính sách hỗ trợ thực hành nghệ thuật truyền thống chưa đáp ứng được thực tiễn… đang cấp thiết đòi hỏi trách nhiệm và nỗ lực chung tay của cả cộng đồng.

Nhìn lại 15 năm được UNESCO ghi danh, Quan họ không chỉ bền bỉ có mặt trong đời sống người dân Bắc Ninh mà còn lan tỏa sâu rộng trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với những chính sách toàn diện, và trong tuần tới, Quốc hội cũng sẽ thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong bối cảnh mới. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao, ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân cao tuổi. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền dạy cho thế hệ trẻ, xây dựng lớp nghệ nhân kế cận, duy trì hoạt động các CLB Quan họ măng non, lan tỏa giá trị di sản tới học sinh, sinh viên, công chức và rộng khắp trong cộng đồng…

Việc đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng không gian diễn xướng và môi trường thực hành là yêu cầu cấp thiết, giúp nghệ nhân và người yêu Quan họ phát huy tài năng. Bên cạnh đó, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật mới mang âm hưởng Quan họ phù hợp với nhịp sống hiện đại sẽ tăng sức lan tỏa và mang lại sức sống mới, khẳng định vị thế di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Ninh, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh; Bộ VHTTDL trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể xuất sắc trong bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ.

Lễ kỷ niệm khép lại với chương trình nghệ thuật đa sắc màu, quy tụ các liền anh, liền chị Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghệ sĩ từ Trung tâm Văn hóa Tây Ninh, Hà Tĩnh, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cùng các giọng ca nổi tiếng như: NSƯT Tân Nhàn, Trọng Tấn, Bùi Lê Mận... Chương trình là sự phối hợp hài hòa giữa Quan họ, Ví, Giặm và Đờn ca tài tử đã tôn vinh sức sống trường tồn của các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại trên dải đất hình chữ S.