Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa

PHƯƠNG ANH

VHO - Sáng 9.12 tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp văn hóa, cộng đồng sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa…

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 1
Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”

Đây là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa còn… gặp khó

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến khai thác nguồn lực không hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 2
Chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn là một động lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

“Tuy nhiên, để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả…”, TS. Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 3
TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc

Các quốc gia này có một hệ sinh thái văn hóa phong phú gắn với hệ thống tài trợ văn hóa rất đa dạng, bao gồm cả quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, từ các tổ chức phi Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, vị trí và vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ngày càng được xác định rõ. Đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo ra những giá trị tinh thần lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng hình ảnh quốc gia dân tộc.

Hội thảo “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn năng động, nơi các nhà đầu tư, các chuyên gia và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có thể gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ cho văn hóa.

Đây cũng là dịp để cùng tìm hiểu những mô hình đầu tư hiệu quả, những chính sách hỗ trợ tích cực, cũng như những giải pháp sáng tạo để huy động nguồn lực cho các dự án văn hóa chất lượng cao.

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nêu rõ, thực tế  cho thấy, văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa là cần thiết, để văn hóa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững đất nước, cùng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Việt Nam đang nỗ lực phát triển nền văn hóa đa dạng, việc thu hút đầu tư và tài trợ cho văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động.

Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn tạo ra động lực cho sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, góp phần nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng thẳng thắn, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng.

Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này vẫn còn những bỏ ngỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để thảo luận về các chính sách hiệu quả, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan trong việc phát triển bền vững văn hóa Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng. Từ đó, rút ra bài học và đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong việc phát triển mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa.

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 5
Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL đề cập vấn đề từ góc nhìn mục tiêu và công cụ chính sách cho đầu tư, tài trợ văn hóa

Các tham luận được chia theo 3 nhóm chủ đề: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam - Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hoá - Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”. 

Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL đề cập vấn đề từ góc nhìn mục tiêu và công cụ chính sách cho đầu tư, tài trợ văn hóa. “Trên thế giới, Nhà nước luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa. Sự can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể của chính sách văn hóa…”, ông Đỗ Quang Minh khẳng định.

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 6
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng, trong lĩnh vực văn hóa, việc xác định mục tiêu đầu tư và các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng.

Để có thể tối đa hóa hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cho văn hóa, các nhà hoạch định chính sách trước tiên cần xác định được các mục tiêu ưu tiên của chính sách văn hóa căn cứ nhu cầu và đặc thù của quốc gia hoặc địa phương, từ đó, lựa chọn và xây dụng các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa phù hợp với các mục tiêu ưu tiên.

Cũng theo ông Minh, tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện.

 Chính sách văn hóa toàn diện cần kết hợp hài hòa các mục tiêu văn hóa xã hội, chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp Nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa - ảnh 7
Nhiều ý kiến thiết thực được chia sẻ tại Hội thảo

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung cũng cho rằng, để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc xác định mục tiêu đầu tư và các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề dễ nhận thấy là việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt, là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan. Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư…

“Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó…”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tâm tư.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc