Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa

VHO - Từ nhiều góc độ, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung… đã đóng góp những ý kiến, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra sáng 22.12 tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến với các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: “Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số”

Sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt, hấp dẫn chưa đủ để đóng góp vào công nghiệp văn hóa. Văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi công nghiệp văn hóa. Văn học nghệ thuật thật sự còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy để phát triển công nghiệp văn hóa.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 2

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa do Bộ VHTTDL soạn thảo, nhiều dự án, chương trình khả thi được đề cập đến như Chương trình Phổ biến tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các sản phẩm vui chơi giải trí trên môi trường số, Xây dựng bảo tàng số về văn học nghệ thuật Việt Nam, và nhiều chương trình quan trọng khác về điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật... Chúng tôi xem đây là nguồn lực, là sản phẩm đầu vào của quá trình công nghiệp văn hóa, là chất liệu cần thiết để sản xuất, thương mại, và tiêu dùng trong chuỗi công nghiệp văn hóa.

Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu để văn nghệ sĩ dấn thân vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nhưng môi trường số có nhiều thuận lợi, cũng không ít thách thức, ví dụ như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Đây là một thách thức lớn. Để bảo vệ tác phẩm trực tuyến khỏi việc sao chép trái phép, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng Luật Bản quyền, chuẩn hóa các quy tắc về việc sử dụng tác phẩm và sự tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các qui định pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau, vì vậy, căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số cũng không giống nhau.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh: “Cần có cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa”

Cần coi nhiệm vụ quy hoạch Công nghiệp văn hóa cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Công nghiệp văn hóa từng thời kỳ là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam. Quy hoạch công nghiệp văn hóa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước. Đồng thời, quy hoạch Công nghiệp văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 3

Đối với Quy hoạch công nghiệp văn hóa, cần có cơ chế huy động xã hội hóa về nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về văn hóa, du lịch là những dự án đòi hỏi các Nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm và lĩnh vực văn hóa, theo chúng tôi đánh giá, chưa có cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư như các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai,…Vì vậy, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa.

Đặc biệt, về cơ chế xã hội hóa đầu tư, đề nghị có cơ chế khuyến khích các Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hoá như Nhà hát, Trung tâm Thể dục thể thao, Công viên văn hoá… theo hình thức đối tác công tư.

Về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp, chất lượng, đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc, cũng như, cần có trình độ, kỹ thuật, ngoại ngữ… Ở khâu quan trọng này, Sun Group luôn chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như sử dụng lực lượng lao động là người địa phương, người dân tộc để quảng bá văn hóa, du lịch bản địa. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, đề xuất Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tỉnh thành, các trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, CEO Công ty Sản xuất, Phát hành Phim Điện ảnh, Truyền hình và Công nghiệp Sáng tạo Nội dung Video  BHD: “Phát triển công nghiệp điện ảnh và sáng tạo nội dung thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hoá”

Ngành Công nghiệp Nội dung toàn thế giới là một thị trường có quy mô rất lớn, đạt mức 2.514 tỉ USD, gấp 4 lần quy mô thị trường của ngành công nghiệp bán dẫn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đây được coi là ngành công nghiệp không khói của tương lai.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 4

Đảng, Nhà nước tổ chức Hội nghị quy mô toàn quốc và đưa ra nhiều văn kiện ủng hộ công nghiệp văn hoá là những tín hiệu rất đáng mừng cho văn nghệ sĩ và những người làm công nghiệp văn hoá tại Việt Nam. Việc gấp rút đưa ra các chính sách nhà nước để điều tiết, hỗ trợ lĩnh vực này là vô cùng cần thiết và cấp bách, bởi công nghiệp văn hoá đã phát triển ở Việt Nam nhiều năm nay và nhiều mảng vẫn hoạt động không có sự điều tiết về chính sách của nhà nước mà chỉ từ sự điều khiển của thị trường.  Thực tế cho thấy, hiện tại rạp chiếu phim của các thương hiệu Việt và vận hành bởi người Việt chiếm khoảng 33% thị phần; 67% là của các công ty Hàn Quốc; trong khi các nước trong khu vực tỉ lệ nước ngoài chỉ từ 10-30% là tối đa. Trong 10 năm vừa qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18-33% và phim ngoại  nhập khẩu đang thắng thế với tỉ lệ khoảng 67-82% tổng doanh thu phòng vé.

Với dân số gần 100 triệu dân, con số doanh thu phòng vé này sẽ tăng trưởng rất mạnh.  Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để thời gian tới có thể có những bộ phim Việt doanh thu trăm triệu đô la Mỹ và thị trường điện ảnh Việt Nam không chỉ toàn phim Hollywood, phim nước ngoài chiếm giữ 70-80% thị phần như hiện nay. Quan trọng hơn, người Việt sẽ có thêm cơ hội được xem phim Việt và tiếp cận với văn hoá Việt hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận, không chỉ coi điện ảnh/công nghiệp nội dung là một ngành dịch vụ mà trọng tâm phải là công nghiệp sản xuất phim Việt Nam, các chính sách hỗ trợ phim, nội dung Việt. Phim ảnh quảng bá hình ảnh Việt Nam, khuyến khích du lịch và hỗ trợ các sản phẩm Việt có vị thế hơn trên trường quốc tế,

Chúng tôi rất mong Nhà nước và các cơ quan liên quan sớm có các chính sách, hành động thiết thực, cụ thể để cho ngành điện ảnh, nội dung số nói riêng và công nghiệp văn hoá nói chung phát triển trong thời gian tới. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hoá Việt ở Việt Nam mà phát triển ra toàn thế giới.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam: “Sớm ban hành Luật Quảng cáo (sửa đổi) làm cơ sở pháp lý để phát triển ngành quảng cáo”

Nghề quảng cáo là nghề bán niềm tin. Mọi giao dịch đều là mua bán, trao đổi niềm tin.Vì vậy, ngành quảng cáo Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nặng nề của mình.

Luật Quảng cáo sau hơn 10 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành cũng như chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo phát huy hết tiềm năng. Rất mong Chính phủ sớm ban hành Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung; làm cơ sở pháp lý để phát triển ngành quảng cáo - một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 5

Bản thân quảng cáo là ngành nghề lấy sáng tạo làm chủ đạo. Vì vậy, các hình thức quảng cáo luôn thay đổi với nhiều hình thức thể hiện mới và hành lang pháp lý chưa theo kịp. Luật mới ra đời đòi hỏi phải lường trước được những loại hình mới trong tương lai ít nhất cho 10 - 15 năm. Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều loại hình quảng cáo mới mà các doanh nghiệp không biết phải xin phép ở đâu, và cơ quan quản lý không biết cấp phép như thế nào vì chưa có đủ cơ sở pháp lý.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Xu hướng phát triển sản phẩm giải trí gắn với du lịch, kinh tế

Với tốc độ tăng trưởng gần đây, công nghiệp văn hóa đang được công nhận là ngành kinh tế có khả năng cạnh tranh ngày càng cao ở cả thị trường trong và ngoài nước, điều này cho thấy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang khai thác thành công của nguồn lực thông qua hoạt động và dần thu hẹp khoảng cách và năng lực cạnh tranh. khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên toàn thế giới.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước nhận định công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 6

Sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến tiêu dùng. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa còn gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Việc dùng điện ảnh, âm nhạc làm tăng sức hấp dẫn, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia là việc phổ biến của nhiều quốc gia. Cơ quan quản lý nên xem xét vấn đề, thúc đẩy sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, góp phần hỗ trợ công tác quảng bá điểm đến du lịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua sản phẩm giải trí phải hài hòa giữa phô diễn văn hóa với đầu tư kịch bản, diễn xuất của diễn viên. Điều này cần cơ quan quản lý du lịch vào cuộc cùng các nhà làm phim, nhà sản xuất âm nhạc để tạo hình ảnh đẹp nhất, mang lại giá trị văn hóa đến khán giả. Khi sản phẩm có chất lượng ra đời, điều đó sẽ quảng bá du lịch, văn hóa và hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ra thế giới, tạo động lực cho du lịch và kinh tế phát triển.

Làn sóng Hàn Quốc (hay Hallyu) đề cập đến cách văn hóa Hàn Quốc chứng tỏ sức phổ biến trên trường quốc tế, thu hút lượng lớn khán giả từ phương Tây tới châu Á. Hai đêm concert của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink vào cuối tháng 7 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã bán ra 67.443 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD (tương đương hơn 331 tỷ đồng), cao kỷ lục trong lịch sử tổ chức sự kiện giải trí tại Việt Nam. Những con số ấn tượng là minh chứng cho thấy văn hoá không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế.

Bà Trương Uyên Ly, Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine: “Không gian sáng tạo đang thể hiện ưu thế kết nối trong phát triển công nghiệp văn hóa”

Các không gian sáng tạo đang kết nối chặt chẽ các nghệ sĩ, truyền thông và đem các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng. Trên thực tế, nhiều không gian sáng tạo Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ sự chú ý và hào hứng trải nghiệm, tham gia của công chúng.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa - Anh 7

Hiện nay, không gian sáng tạo đã và đang có những tác động tích cực như tạo việc làm mới, cải tạo cảnh quan của khu vực, giảm tình trạng ô nhiễm. Nhà máy bỏ hoang, bãi đất trống được biến thành địa điểm âm nhạc, quán café, tạo không gian cho giới trẻ. Không gian sáng tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm rác thải. Những không gian ô nhiễm được cải tạo thành không gian tươi mới, sạch đẹp. Tuy nhiên, các không gian sáng tạo gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển như: thuế, hạn mức thuê… Có thể thấy, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh công nghiệp văn hóa chưa đồng đều.

Với tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm của công nghiệp sáng tạo của khu vực. Nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thuế đóng rất cao. Vì vậy, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên Bộ, ngành nhằm đẩy mạnh sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong phát triển công nghiệp văn hóa.

PHƯƠNG ANH - THU SÂM (lược ghi), ảnh: NHẬT BẮC- TRẦN THANH HẢI

Ý kiến bạn đọc