Quy định phù hợp về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm VHNT và các loại hình nghệ thuật biểu diễn:

Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm có giá trị

ĐÌNH TOÁN

VHO - Tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) được coi là nguồn lực quan trọng trong phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa (CNVH); và để tạo nên những giá trị trong phát triển CNVH, đội ngũ văn nghệ sĩ phải không ngừng dồn tâm sức, trí tuệ để sáng tác nên những tác phẩm chất lượng…

Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm có giá trị - ảnh 1
Việc chi trả thù lao, nhuận bút hợp lý cho các tác phẩm VHNT, các loại hình nghệ thuật biểu diễn sẽ giúp thúc đẩy sự sáng tạo. Ảnh: THANH MAI

 Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP (Nghị định 21) của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác… cần sớm được sửa đổi theo hướng tăng mức chi trả cho tác giả nhưng vẫn đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước; cùng với đó, cần bổ sung nhiều chức danh được hưởng chi trả theo Nghị định để đảm bảo quyền lợi của những người tham gia sáng tạo tác phẩm.

Nhiều hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi

Kể từ khi ban hành đến nay, Nghị định 21 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hằng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến các giá trị VHNT và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

 Sau gần 10 năm triển khai, Nghị định 21 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời, như: Chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, nhất là thể loại, hình thức mới xuất hiện; một số chức danh cần được bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy lao động nghệ thuật, giúp phát triển các ngành CNVH… .

(Ông TRẦN HOÀNG, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL)

Tuy nhiên sau gần 10 năm triển khai Nghị định, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, Nghị định đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời, như: Chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, nhất là thể loại, hình thức mới xuất hiện; một số chức danh cần được bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy lao động nghệ thuật, giúp phát triển các ngành CNVH…

Dẫn chứng cụ thể, đại diện Cục Điện ảnh cho hay, trong sản xuất phim, điều dễ nhận thấy nhất ở thể loại tài liệu lịch sử là kỹ xảo, giúp ê kíp sáng tạo tái hiện một cách chân thực, sinh động những cảnh vật và sự việc thời xưa. Hiện nay, phần lớn phim tài liệu, khoa học đều sử dụng hiệu ứng, kỹ xảo điện ảnh, nhưng trong Nghị định 21 lại chưa có quy định nhuận bút cho thành phần này…

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận thông tin, thù lao cho thành phần tổ chức dàn dựng đội hình các tiết mục hát tốp ca, hợp ca, hợp xướng với số lượng người tham gia biểu diễn đông cũng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 21, dù việc này đòi hỏi người dàn dựng phải có kinh nghiệm, tư duy, sáng tạo mới có thể sắp xếp hợp lý, tạo được sự linh hoạt, hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Cùng với câu chuyện “khuyết” một số chức danh, vấn đề chi trả nhuận bút, thù lao sao cho tương xứng cũng cần được lưu ý. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) chia sẻ, trong sản xuất phim, đội ngũ dựng phim giúp chuyển tải thông điệp, ý tưởng của đạo diễn bằng cách tập hợp các cảnh quay thành một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, nên bên cạnh kiến thức về kỹ thuật, họ cũng là những người tham gia sáng tạo. Tuy nhiên, theo Nghị định 21, mức chi trả nhuận bút cho người dựng phim đang thấp hơn một số chức danh khác, chưa tương xứng với sức sáng tạo của họ (chỉ rơi vào khoảng 0,3 - 0,8% chi phí sản xuất).

Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nhuận bút, thù lao của các chức danh đối với tác phẩm sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp, quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10, Chương IV còn khá thấp, chỉ đạt khoảng 50-70% mức thù lao so với thị trường tự do bên ngoài khu vực công. Điều này tác động lớn đến việc thu hút các nghệ sĩ là những tên tuổi lớn được công chúng quan tâm tham gia chương trình mang yếu tố chính trị; gây khó khăn trong việc vận động, mời tác giả tài năng tham gia sáng tạo các tác phẩm, chương trình có giá trị, chất lượng cao phục vụ công chúng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Hiện tại, Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng nêu rõ, dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên quan điểm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể hóa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây, sửa đổi những quy định không phù hợp và bổ sung những quy định mới.

Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, quy định chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho việc thực hiện; bảo đảm quyền công dân trong sáng tạo VHNT, nghiên cứu khoa học - công nghệ và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng và công chúng thụ hưởng; tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển các ngành CNVH của Việt Nam.

Trước việc Nghị định đang trong quá trình được sửa đổi, bổ sung, Sở VHTTDL TP Cần Thơ kiến nghị, phạm vi điều chỉnh của Nghị định cần được mở rộng, bao gồm cả chi trả thù lao cho quá trình tập dượt, thẩm định chương trình, hoạt động phụ trợ như thu âm bài hát… Đơn vị cũng mong muốn Nghị định sẽ cho phép chi trả thù lao cho công tác chấm thi đối với các đối tượng là Trưởng/Phó trưởng Ban Giám khảo, thư ký giúp việc của các hội thi, liên hoan nghệ thuật.

Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều chuyên gia nhận định, cần cho phép thanh toán mức chi trả tiền bản quyền cho đội ngũ sáng tạo ở mức tối đa đối với thể loại phim tài liệu, khoa học. Cùng với đó, bổ sung thành phần làm kỹ xảo điện ảnh phim tài liệu, khoa học với mức chi trả tương đương với họa sĩ.

Theo bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong quá trình tiến tới một nền CNVH phát triển, tiền bản quyền, tiền chi trả cho việc sử dụng sản phẩm nghệ thuật, thù lao là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Thực tế, giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ, tạo nên “chất liệu” quan trọng trong phát triển các ngành CNVH của Việt Nam. 

 Chia sẻ về Quy trình đăng ký bản quyền tác giả và thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ

Vừa qua, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Quy trình đăng ký bản quyền tác giả và thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ”. Tại buổi nói chuyện, các báo cáo viên đã trình bày về tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền trong bối cảnh sở hữu trí tuệ ngày càng được coi trọng và cần được bảo vệ; nội dung chuyên sâu về quy trình pháp lý, cách thức thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ và các phương thức phòng tránh vi phạm bản quyền.

Hiện nay, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả; hoặc Điểm tiếp nhận hồ sơ của Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM, Đà Nẵng hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ VHTTDL về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Hồ sơ bản gốc (bản giấy) được gửi tới Cục Bản quyền tác giả theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.

NAM ANH