Hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024):

Khát vọng tự do tại Nhà lao Hội An

KHÁNH CHI

VHO - Nhiều đại biểu, khách mời, nhân chứng lịch sử có mặt tại trưng bày chuyên đề Khát vọng tự do tại di tích Nhà lao Hội An đã không giấu được xúc động, bồi hồi và cả những nốt trầm lắng đọng khi nhìn lại những bức ảnh bi tráng, hòa mình vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.

 Trưng bày diễn ra từ ngày 15-31.7 tại di tích Nhà lao Hội An (240/12 Lý Thường Kiệt, TP Hội An, Quảng Nam). Đây là sự kiện do Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội, UBND TP Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) phối hợp tổ chức, hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024) và 57 năm ngày Giải phóng Nhà lao Hội An (15.7.1967 - 15.7.2024).

Khát vọng tự do tại Nhà lao Hội An - ảnh 1

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” tại di tích Nhà lao Hội An

Khát vọng tự do là câu chuyện về những chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo để trở về với cách mạng, với nhân dân. Vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất, người tù có thể bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc; làm mồi cho thú dữ hay bị nhấn chìm giữa mênh mông biển cả, nhưng những khó khăn ấy chẳng thể ngăn nổi trái tim khao khát nhịp đập tự do.

BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng nội dung, thiết kế, in ấn và phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức thực hiện trưng bày, qua đó giới thiệu 35 pano ảnh theo 3 chủ đề: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Dấu ấn vượt thời gian với nhiều tư liệu quý, liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và các di tích Nhà lao ở Hội An qua nhiều thời kỳ.

Có mặt tại buổi khai mạc, các nhân chứng lịch sử, cựu tù chính trị, các bậc lão thành cách mạng và rất nhiều bạn trẻ đã không giấu được bồi hồi, xúc động khi tận mắt nhìn thấy những hình ảnh khắc họa sinh động khí phách kiên trung, bất khuất của các sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nhấn mạnh: Từ di tích Nhà lao Hội An và Nhà tù Hỏa Lò, cũng như bao nhà tù khác trên mọi miền đất nước, trong sự khốn cùng của nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, đã ngời sáng bao tấm gương về lòng yêu nước thủy chung, son sắt, khí phách đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên trung của nhiều thế hệ đồng bào, chiến sĩ. Những con người “gươm kề cổ, súng kề tai” vẫn không hề nao núng, quanh năm đói cơm nhạt muối, không thấy ánh sáng mặt trời vẫn hướng về một niềm tin tất thắng.

Khát vọng tự do tại Nhà lao Hội An - ảnh 2

Những hình ảnh khắc họa sinh động khí phách kiên trung, bất khuất của các sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

“Trưng bày Khát vọng tự do sẽ góp phần làm cho di tích Nhà lao Hội An thêm nhiều giá trị và trọng trách mới. Đây sẽ là một thiết chế văn hóa, lịch sử ghi dấu chứng tích tội ác của địch và cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù yêu nước; là biểu tượng về lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa của các thế hệ hôm nay và mai sau với đồng bào, chiến sĩ cách mạng, những con người đã nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; là một “địa chỉ đỏ” có sức lay động, nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm của các thế hệ hậu sinh tiếp tục hăng hái lao động, học tập, dựng xây đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là một thành phố di sản, thành phố anh hùng trong đấu tranh cách mạng và sáng tạo trong lao động”, ông Lanh xúc động chia sẻ.

Đồng thời, trưng bày lần này cũng sẽ mở ra một hướng tiếp cận đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong nghiên cứu, giới thiệu về Nhà lao Hội An gắn kết với những tư liệu, vấn đề liên quan từ các nhà lao khác. Làm cho ký ức của các nhân chứng gần gũi và đầy đủ hơn, tâm thức của các thế hệ hậu sinh sâu sắc và lắng đọng hơn.

Nhà lao Hội An tên thường gọi là Nhà lao Xóm Mới, Lao xá Hội An, Trung tâm cải huấn Quảng Nam, do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai xây dựng từ năm 1960-1975, thuộc hệ thống chuỗi các nhà lao và là nhà lao cuối cùng mà chính quyền thực dân, đế quốc lập nên ở Hội An để giam cầm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Nơi đây đã ghi dấu những chiến tích lẫy lừng của quân và dân Hội An. Đêm 14 rạng ngày 15.7, bằng sự quả cảm, thông minh, kết hợp cả 3 mặt trận chính trị, binh vận, quân sự đã tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng thủ kiên cố, giải phóng hơn 1.200 đồng bào, chiến sĩ bị giam cầm, bổ sung một nguồn cán bộ quan trọng tiếp tục tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Chiều tối ngày 27.3.1975, quân và dân Hội An một lần nữa nhanh chóng chiếm lĩnh, giải phóng Nhà lao Hội An, góp phần làm nên một Chiến dịch mùa xuân toàn thắng.

Năm 2007, Nhà lao Hội An được công nhận di tích cấp tỉnh. Năm 2012, tỉnh Quảng Nam chính thức khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích này với tổng mức đầu tư hơn 19 tỉ đồng nhằm phục hồi, chống xuống cấp các hạng mục, hướng đến phát huy giá trị của di tích. Nhà lao Hội An cũng đã được mở cửa thường xuyên và trở thành “địa chỉ đỏ” để nhân dân, du khách, các cơ quan đoàn thể tham quan, sinh hoạt truyền thống.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc