Khánh thành giai đoạn II cụm Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt

THANH THUÝ

VHO - Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2024), ngày 19.5, UBND tỉnh Long An tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ và khánh thành giai đoạn II cụm Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Khánh thành giai đoạn II cụm Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt - ảnh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; các tướng lĩnh lực lượng vũ trang; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ và nhân dân tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nêu cao tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương thực hiện hơn 20 năm qua, đã trở thành truyền thống tốt đẹp. Nhân dịp này, tỉnh tổ chức khánh thành giai đoạn II Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt.

Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2021-2025, gồm các hạng mục như công viên tâm linh, cây xanh, công trình tượng, bến hoa đăng, đường nội bộ… với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và ngân sách tỉnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Long Khốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tại đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hệ thống đồn bốt kiên cố, Chi khu - yếu khu Long Khốt hòng ngăn chặn đường tiến quân của bộ đội ta.

Liên tục trong 3 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại khu vực Long Khốt đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Tại chiến trường trọng yếu này, trên 1.100 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5, cùng với 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 8; gần 700 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 và các đơn vị phối thuộc như đặc công, pháo binh, thiết giáp… đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh, bè lũ diệt chủng Pol Pot từ bên kia biên giới Campuchia tràn sang cướp phá, giết ghại đồng bào ta. Suốt 43 ngày đêm, từ ngày 14.1 đến 27.2.1978, tại khu vực Đồn Biên phòng Long Khốt, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thêm một lần nữa, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Năm 1997, di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, đến năm 2019 được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Khánh thành giai đoạn II cụm Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt - ảnh 2

Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt


Trước đó, Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt được khởi công xây dựng vào ngày 3.9.2020, do UBND huyện Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 54,3 tỈ đồng, với các hạng mục gồm: Đền thờ chính, cổng tam quan, miếu thờ, các công trình phụ trợ như nhà kho, bếp, khu vệ sinh, tường rào, sân, đường, bãi đỗ xe, nhà chờ...

Hiện huyện Vĩnh Hưng tiếp tục triển khai xây dựng một số hạng mục trong giai đoạn 3 (khu tượng đài chiến thắng, 2 nhà khách, sa bàn tái hiện các trận đánh, đình thần, ao sen, tượng Bác Hồ, cây xanh, thảm cỏ). Dự kiến, nguồn vốn đầu tư 54,5 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 31 tỉ đồng giải phóng mặt bằng phần mở rộng, huyện Vĩnh Hưng hỗ trợ 3 tỉ đồng san nền phần mở rộng, các nguồn vốn hợp pháp khác 20,5 tỉ đồng để xây dựng các hạng mục.

Công trình DTLS quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt được xây dựng mang ý nghĩa sâu sắc, là sản phẩm du lịch giá trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước, từ đó ra sức học tập, rèn luyện, cùng đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc