Khánh thành Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan và Di tích chiến thắng đồn Lệ Sơn
VHO – Ngày 23.9, Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức lễ khánh thành Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn và Di tích Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan tại thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Di tích Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan
Dự lễ khánh thành có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, Di tích Chiếnthắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan là một trong các hạng mục thuộc dự án "Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Hải Vân Quan”.
Công trình không chỉ là biểu tượng cho ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn là tượng đài khắc ghi sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Liên Chiểu và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế để tiếp tục hoàn thiện, có kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị công trình, gắn kết với cụm di tích quốc gia Hải Vân Quan, tạo nên một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Công trình Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ghi lại chiến thắng vẻ vang cách đây 70 năm của Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 của bộ đội chủ lực Liên khu 5 và nhân dân hai xã Hòa Tiến, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đêm 18.9.1952, Tiểu đoàn 59 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Đạo chỉ huy tấn công, tiêu diệt cứ điểm Lệ Sơn, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng, bắt sống tên Đội Tước - một tên Việt gian khét tiếng gian ác có nhiều nợ máu với nhân dân và tù binh.
Chiến thắng Lệ Sơn đã tạo tiền đề để đêm 25.9.1952, Tiểu đoàn 59 tiếp tục tiêu diệt Đồn Nhất, một cứ điểm đặc biệt quan trọng của thực dân Pháp trên đỉnh đèo Hải Vân và giành thắng lợi. Hai chiến thắng này có ý nghĩa quân sự, chính trị rất lớn, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân ta quyết tâm đấu tranh với thực dân Pháp, sự can thiệp của đế quốc Mỹ để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Năm 2001, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho xây dựng bia ghi lại sự kiện trận đánh đồn Lệ Sơn, đồng thời ra quyết định công nhận Bia di tích Chiến thắng Lệ Sơn là Di tích cấp thành phố. Qua thời gian, công trình Bia di tích cũ đã xuống cấp. Được sự chung tay đóng góp của gia đình thân nhân các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 và các tổ chức, cá nhân, UBND huyện Hòa Vang đã làm chủ đầu tư nâng cấp Công trình Di tích chiến thắng Lệ Sơn với tổng diện tích hơn 1.000m2. Công trình gồm các hạng mục xây mới như nhà bia, mở rộng sân nền, làm mới cảnh quan, cây xanh để tri ân các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến và đưa di tích văn hóa này trở thành một địa chỉ đỏ để nhằm giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Cũng trong chiều 23.9, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đến dự lễ khánh thành Di tích Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan.
Cắt băng khánh thành Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn
Đồn Nhất án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân, là một bộ phận quan trọng của cụm công trình kiến trúc Hải Vân Quan - pháo đài quân sự có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) để phòng thủ cửa ngõ phía Nam của Kinh thành Huế. Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Đồn Nhất, cuối năm 1946, sau khi trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp đã tận dụng cải tạo và củng cố Đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc có tường bằng đá bao quanh, án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở để kiểm soát lưu thông trên đường đèo, ngăn chặn sự kết nối của quân ta ở Liên khu 5 với chiến trường Bình Trị Thiên.
Thực hiện Nghị quyết quân sự của Hội nghị Liên khu ủy 5 lần thứ hai, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định triển khai Chiến dịch Hè Thu 1952, với chiến trường chính là toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó xác định Đồn Nhất là một trong những cứ điểm chiến lược cần phải được tiêu diệt. Rạng sáng 25.9.1952, Đại đội 6 tăng cường của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 bộ đội chủ lực cơ động Liên khu 5, với sự hỗ trợ của du kích xã Hòa Liên đã chủ động tấn công trực tiếp và tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất. Để góp phần làm nên chiến thắng Đồn Nhất, 7 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ, trong có vai trò quan trọng của liệt sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Tiến tiếp tục làm tốt công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị công trình khu di tích đồn Lệ Sơn hiệu quả, thiết thực. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để đưa sự kiện chiến thắng đồn Lệ Sơn vào tài liệu giáo dục địa phương ở trường phổ thông.
Nhân dịp này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đến thăm, tặng quà ông Huỳnh Năm, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu 5; dự lễ ra mắt cuốn sách “Tiểu đoàn 59- Anh hùng giữa lòng dân” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản.
Nội dung sách gồm 3 phần. Phần 1: Lịch sử Tiểu đoàn 59 - ghi lại những mốc son về một thời hào hùng của đơn vị từ khi thành lập (10-6-1952) đến khi phát triển, trưởng thành trong Trung đoàn 803 chủ lục cơ động Liên khu 5.
Phần 2: Anh hùng của lòng dân - gồm 16 bài viết, là những hồi ức, lời kể đầy xúc động của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 về những năm tháng chiến đấu oanh liệt.
Phần 3: Một số hình ảnh và tư liệu - làm sáng rõ bức tranh lịch sử về những chiến công của Tiểu đoàn 59, thể hiện rõ ý tưởng về sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại thông qua hình ảnh xưa và nay…
TRỌNG NGHĨA