Quận Tây Hồ:

Hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

VHO - Sở hữu cảnh quan độc đáo, hệ thống di tích giàu giá trị và hệ sinh thái du lịch phong phú, quận Tây Hồ thời gian qua đã không ngừng phát triển sản phẩm mới, nâng tầm chất lượng dịch vụ, thu hút du khách. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô.

Việc trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa cũng là một trong những mục tiêu quận Tây Hồ hướng đến nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Sẵn sàng “cất cánh”

Quận Tây Hồ sở hữu cảnh quan thiên nhiên ấn tượng với Hồ Tây rộng hơn 527 ha, đồng thời là vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Nhờ vị thế địa lý đặc biệt cùng hệ thống di sản phong phú, Tây Hồ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa, một trong những ngành trọng điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô - ảnh 1
Quận Tây Hồ đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với văn hóa bản địa. Ảnh: Lễ hội Sen Hà Nội 2024

Trên những con đường ven hồ lộng gió, dấu ấn thời gian in đậm qua những công trình tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng như chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với lịch sử hơn 1.500 năm, phủ Tây Hồ - trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng,… cùng hàng loạt di tích lịch sử, tạo nên một không gian văn hóa mở, giàu bản sắc.

Cùng với đó, quận Tây Hồ còn là điểm sáng trong phát triển hệ thống làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP, phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch văn hóa. Hiện nay, cả 8/8 phường trên địa bàn quận đều có sản phẩm OCOP, phản ánh sự đa dạng và tiềm năng lớn trong khai thác giá trị văn hóa bản địa.

Đáng chú ý, quận đã phục dựng nét tinh hoa văn hóa xưa, nghề làm giấy dó Yên Thái, không chỉ nhằm bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo động lực phát triển du lịch trải nghiệm.

Ngoài ra, quận Tây Hồ còn đang thể hiện mong muốn về khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô với loạt sự kiện ấn tượng diễn ra trong thời gian qua.

Năm 2024, quận Tây Hồ đã tạo dấu ấn riêng với chuỗi sự kiện văn hóa - nghệ thuật đặc sắc; từ Lễ hội Ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long với chủ đề Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử đến Lễ hội Sen Hà Nội 2024 và chương trình Hành trình xanh - Sắc sen Tây Hồ.

Không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, các sự kiện còn góp phần quảng bá hình ảnh Tây Hồ, thúc đẩy du lịch, dịch vụ và công nghiệp văn hóa địa phương.

Bằng quyết tâm và chiến lược phát triển bài bản, Tây Hồ đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Hà Nội. Quận không chỉ chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà còn tạo dựng không gian sáng tạo, đưa công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Quyết tâm vươn mình

Với quyết tâm chính trị và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quận Tây Hồ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Trên cơ sở thực tiễn địa phương, quận Tây Hồ xác định phát triển công nghiệp văn hóa với trọng tâm là du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội, không gian văn hóa sáng tạo và di sản.

Theo đó, việc xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa trải nghiệm du khách.

Hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô - ảnh 2
Quận Tây Hồ đang khẳng định được năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật quy mô lớn. Ảnh: Lễ hội Ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long chào đón năm 2024

Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình 06-CTr/TU diễn ra vừa qua, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, để phát triển các sản phẩm văn hóa, tạo động lực cho du lịch và mang lại nguồn lợi kinh tế - xã hội cho quận cũng như thành phố, cần nâng tầm giá trị di sản, phát huy hiệu quả tiềm năng di sản như một nền tảng để phát triển văn hóa và thúc đẩy sự quan tâm của người dân đối với lĩnh vực này. 

Năm 2025, quận Tây Hồ đặt mục tiêu xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó du lịch văn hóa là mũi nhọn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, đồng thời xây dựng các tuyến du lịch kết nối làng nghề, di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí, ẩm thực nhằm tạo ra trải nghiệm du lịch phong phú, hấp dẫn.

Các hoạt động, sự kiện văn hóa về đêm cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là mô hình du lịch đêm gắn với phố đi bộ Trịnh Công Sơn, đường Thanh Niên và khu vực quanh Hồ Tây.

Với sự phát triển của các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, không gian này hứa hẹn trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hai yếu tố then chốt trong phát triển du lịch văn hóa là con người và công nghệ. Theo đó, quận cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch, đồng thời ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quảng bá, quản lý và trải nghiệm du lịch.

Từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, giàu trải nghiệm, đưa Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô như mục tiêu quận đã đề ra.

Đến năm 2030, quận Tây Hồ định hướng phát triển mạnh thương hiệu du lịch văn hóa đặc trưng, đầu tư xây dựng một số công trình mang tính biểu tượng văn hóa, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô. Điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của quận mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói chung.

Với chiến lược phát triển đồng bộ, kết hợp giữa bảo tồn di sản và đổi mới sáng tạo, Tây Hồ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ văn hóa hàng đầu của Thủ đô.