Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 17.7, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình với hai đơn vị là Sở GD&ĐT Hà Nội và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

 Tại buổi làm việc, một trong những nội dung quan trọng được Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh là nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc trên địa bàn; nói không với bạo lực học đường.

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thực hiện chỉ tiêu được giao, Sở đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ từ 80 – 85%. Về chỉ tiêu giáo dục phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại quy mô 5ha trở lên, chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ có 3 – 5 trường.

Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô - ảnh 1
Toàn cảnh buổi làm việc

Đến nay, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5648/QĐ-UBND ngày 6.11.2023 phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất bổ sung đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao theo Chương trình số 06-CTr/TU, làm căn cứ để đầu tư, xây dựng thực hiện mục tiêu. HĐND thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án Trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao tại huyện Thạch Thất và Gia Lâm.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho hay, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình 06-CTr/TU đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch số 176/KH-UBND. Với việc xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, Sở GD&ĐT thành phố đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, đạt được nhiều kết quả.

 Toàn ngành Giáo dục thành phố đã tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cùng các hoạt động ngoài giờ lên lớp được chỉ đạo triển khai hiệu quả, với nhiều hình thức sáng tạo, có tác dụng tốt trong việc giáo dục nhân cách học sinh.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ của Chương trình, ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức triển khai nhiều đề án, kế hoạch như Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” của ngành trong giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học đến năm 2025.

Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô - ảnh 2

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn trình bày báo cáo

Trong đó, giao các đơn vị lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất để áp dụng một số trò chơi như cướp cờ, rồng rắn lên mây, kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền trên cạn, nhảy bao bố, ô ăn quan...; quan tâm đầu tư, hỗ trợ và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học…

Đối với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai văn bản số 2850/SGDĐT-CTTT-KHCN đến các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường học trực thuộc Sở triển khai cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 do Bộ GD&ĐT triển khai.

Toàn ngành đã phối hợp tổ chức cho 1.610 học sinh tham gia học lớp tìm hiểu về Đảng trong năm học 2023 - 2024 và kết nạp được 168 đảng viên mới là những học sinh ưu tú. Học sinh khi được lựa chọn tham gia các lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng đã có ý thức phấn đấu rõ rệt, đạt thành tích cao trong học tập, tham gia công tác đoàn thể, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…; nỗ lực thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, tổ chức thành công Liên hoan hợp xướng với chủ đề Vang mãi bài ca dâng Đảng, Hội khỏe Phù Đổng cho học sinh phổ thông. Đây là hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể lực trong học sinh; tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi trong các nhà trường; nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa ngàn năm văn hiến của Thủ đô…

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn khẳng định, Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội luôn được Sở cùng các đơn vị trực thuộc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng thời, chương trình cũng tạo nguồn lực quan trọng nhằm phát triển văn hoá, con người Thủ đô.

Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô - ảnh 3

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Nguyễn Văn Tuân

Đối với Trường Đại học Thủ đô, để thực hiện hiệu quả Chương trình 06 và Kế hoạch số 176, Nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến các đề án, chương trình được UBND thành phố phê duyệt trên các kênh truyền thông chính thức của Trường. Kế hoạch thực hiện các Đề án được phổ biến, quán triệt đến các chi bộ, đơn vị và huy động lực lượng các đơn vị tham gia thực hiện.

Ngoài ra, Trường cũng đang thực hiện nhiều đề án, kế hoạch gồm Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”…

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Nguyễn Văn Tuân đánh giá, nhìn chung, việc thực hiện các Đề án đã giúp tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn cho giáo viên, sinh viên; bước đầu triển khai được học liệu và không gian Hà Nội học; nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và phát triển nhà trường.

Phát huy vai trò của giáo dục

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, buổi làm việc nhằm rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị trong việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch 176/KH-UBND của UBND TP về việc thực hiện Chương trình.

Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô - ảnh 4
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu kết luận buổi làm việc

Với tư cách là cơ quan thường trực, sau phần trình bày báo cáo, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh ghi nhận những kết quả mà Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình. Các hoạt động đã góp phần làm rõ những nội hàm của Chương trình; góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô.

Bà Trần Thị Vân Anh cho biết, năm 2024 là năm các đơn vị phải tăng tốc để hoàn thành xuất sắc 18 chỉ tiêu của chương trình. Hiện tại, đã có một số chỉ tiêu về đích sớm và đang phấn đấu vượt mức đề ra.

Đối với với một số chỉ tiêu khó, bà Trần Thị Vân Anh mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có các giải pháp cụ thể để đạt được những chỉ tiêu này.

Bên cạnh đó, để nâng cao tính hiệu quả, khích lệ, động viên các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ, bà Trần Thị Vân Anh cho hay cần có giải pháp để phát hiện, khen thưởng kịp thời những cá nhân, điển hình tiên tiến; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, nhận diện các mô hình.

Hướng đến đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường tại Thủ đô - ảnh 5
Chú trọng xây dựng trường học thân thiện, văn hóa chào hỏi cho học sinh tại các trường của Thủ đô

Về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, bà Trần Thị Vân Anh mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội đẩy mạnh huy động các nguồn lực để tăng cường giảng dạy lĩnh vực này trong các trường; cần thực hiện nghiêm túc từ những việc làm nhỏ nhất như dạy học sinh văn hóa chào hỏi, cho đến giáo dục lối sống văn minh, ý thức thượng tôn pháp luật. Đồng thời, phải tăng cường giáo dục về văn hóa, lịch sử của địa phương trong trường học; giúp các em hiểu, thêm yêu, tự hào về văn hóa của Thủ đô.

Bà Trần Thị Vân Anh cho biết thêm, trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phải tập trung xây dựng từ gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để kế thừa, phát huy những giá trị.

Một trong những nội dung được lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội đề nghị tập trung thực hiện là nghiên cứu, sớm đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường. Việc đưa môn Hà Nội học vào dạy tại các trường ở Thủ đô giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người Hà Nội. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Thủ đô tương xứng với vị thế vốn có; nâng tầm văn hóa, phát triển con người Hà Nội.