Hôm nay, 31.10, vẫn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Pháp
VHO- Hãng đấu giá MILLON (Pháp) trước đó thông báo lùi thời điểm đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"-lô 101- đến ngày 10.11. Tuy nhiên, hiện nay trên website của hãng đấu giá, ấn vàng triều Nguyễn vẫn có trong danh sách đấu giá ngày 31.10.
Diễn biến vụ việc cho biết, mới đây, hãng đấu giá MILLON (Pháp) thông báo lùi thời điểm đấu giá lô 101 (ấn vàng Hoàng đế chi bảo) đến ngày 10.11 (trước đó cổ vật đã dự kiến được đấu giá vào ngày 31.10).
“Nhà nước Việt Nam quan tâm đến lô ấn vàng 101 của vua Minh Mạng nên chúng tôi tạm hoãn việc bán đấu giá đến 12h ngày thứ 5 (tức 10.11)”, thông báo ngắn gọn của hãng MILLON cho biết.
Tuy nhiên trên website của hãng đấu giá MILLON vào sáng 31.10, lô 101 (ấn vàng Hoàng đế chi bảo) vẫn nằm trong danh sách phiên bán hàng nghệ thuật Việt Nam vào 11h ngày 31.10 (giờ Paris).
Theo thông tin của nhà đấu giá, ấn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông với kích thước 13,8 cm x 13,7 cm. Quai ấn hình rồng năm móng ở tư thế cuộn, đầu ngẩng cao, trán khắc chữ 王 (vương), đuôi uốn ra phía sau theo hình xoắn ốc, vây dọc thân rồng, bốn chân chắc chắn.
Mặt trên ấn khắc 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (được làm vào ngày 4.2 năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4.2.1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, tương đương 10,7 kg). Đế ấn có in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo”.
Hãng đấu giá cũng nhận định “Hoàng đế chi bảo” là con dấu quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được đóng lên các sắc phong và văn bản quan trọng nhất của triều đình.
Nhà đấu giá còn cung cấp các mốc chuyển giao ấn: chiều 30.8.1945, sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao ấn Hoàng đế chi bảo - được chọn trong số 200 ấn triện các loại được lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng, cùng thanh bảo kiếm của vua Khải Định trao cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.
Với lô 101 (ấn vàng Hoàng đế chi bảo), hãng đấu giá đặc biệt yêu cầu khách tham gia phải đăng ký và cung cấp các thông tin cần thiết để được tham gia đấu giá. Hãng đấu giá không chấp nhận đấu giá ấn vàng online trên các nền tảng Drouot Live và Interencheres.
Ngay sau khi có thông tin đấu giá từ giữa tháng 10, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị có biện pháp hồi hương cổ vật. Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), nếu đây là ấn Hoàng đế chi bảo thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa…xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao ngay khi nhận được thông tin về cuộc đấu giá, nêu rõ sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12.1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8.3.1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), ông Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn Hoàng đế chi bảo) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Bộ VHTTDL khẳng định quan điểm: “Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”.
BẢO PHƯƠNG