Hà Nội ưu tiên tái sử dụng không gian cũ cho phát triển Công nghiệp văn hoá
VHO - Ngày 18.4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hoá và Khu phát triển thương mại - văn hoá”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ VHTTDL: Cục Bản quyền tác giả, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, một số Nhà hát… Cùng dự có đại diện lãnh đạo các quận, huyện, Sở, ngành của TP Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư, cộng đồng doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH) và Khu phát triển thương mại – văn hóa để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần xây dựng môi trường văn hoá sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với giá trị văn hoá, bảo tồn di sản, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.
Tham gia góp ý vào 2 dự thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của Trung tâm CNVH, Khu phát triển thương mại - văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội; kinh nghiệm các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... về tổ chức và hoạt động của Trung tâm CNVH, công nghiệp sáng tạo, khu phát triển thương mại và văn hóa, bài học gợi mở cho Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của nước Pháp, ông Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho hay, ngành CNVH mang lại cho Pháp khoảng 110 tỉ Euro. Ở quy mô Liên minh châu Âu, văn hoá mang lại lợi ích kinh tế đứng thứ 3 sau lĩnh vực xây dựng, nhà hàng.

Theo ông Emmanuel Cerise, Paris và Hà Nội có nhiều điểm tương đồng, đó là lõi nội đô có nhiều di tích lịch sử, và ngoại ô có nhiều điểm văn hoá có sức hút lớn. Tại vùng Région Ile-de-France dù đã có mạng lưới văn hoá dày đặc nhưng vẫn tiếp tục tạo ra những điểm mới.
Bên cạnh các trung tâm CNVH do Nhà nước quản lý thì chính quyền khuyến khích trung tâm do tư nhân quản lý, cho phép các nghệ sĩ làm nội dung sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các trung tâm này phải được kết nối với hệ thống giao thông công cộng một cách thuận tiện. Thực tế là Région Ile-de-France đã thiết kế đường sắt mới bao quanh Thủ đô, và nhà ga trên hệ thống này kết nối với hầu hết các điểm CNVH chính của vùng.
“Hiện nay Hà Nội đang có 2 tuyến đường sắt đô thị, nên gắn vào lộ trình của tuyến đó tới các trung tâm CNVH. Nhiệm vụ của người làm CNVH không chỉ có người làm văn hoá mà còn có người làm giao thông công cộng.
Ở Pháp có những tuyến xe bus chỉ đến các điểm CNVH. Chúng tôi thường xuyên tổ chức sự kiện văn hoá mang tính đặc thù, như tổ chức tuần lễ di sản văn hoá tại Paris, hoặc lễ hội theo mùa…
Như Hà Nội thời gian gần đây đã duy trì được các sự kiện văn hoá định kỳ như Tuần lễ thiết kế sáng tao, nhưng còn nhiều tiềm năng lớn để tổ chức các sự kiện thường xuyên, phổ biến trong năm.
Chúng tôi sẵn sàng tham gia các dự án trong ý tưởng các CNVH hoặc các dự án tầm Chính phủ Pháp với Hà Nội”, Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội nói.
Ở một góc nhìn khác, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, lễ hội sáng tạo Hà Nội đã trải qua mấy mùa, nhưng lễ hội thu hút nhất là năm vừa qua khi tái sử dụng và hồi sinh nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Cung Thiếu nhi…

Ở các nước phát triển có nhiều cơ sở công nghiệp, công trình cũ bỏ hoang hoặc bị quên lãng một cách lãng phí. Các bạn trẻ tìm được cảm hứng, hồi sinh không gian đó thay vì xây dựng một không gian mới mà sức hút hạn chế hơn.
“Hà Nội xây dựng Trung tâm CNVH cần ưu tiên tái sử dụng, hồi sinh các không gian công cộng, nhà máy, toà nhà bị bỏ hoang. Bên cạnh đó là phát triển dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện hợp tác liên ngành giữa thiết kế sáng tạo, nghệ thuật và công nghệ.
Tạo tính linh hoạt và không gian thử nghiệm cho những sáng tạo và thử nghiệm mới, chấp nhận thất bại”, bà Hường nhận định.
Ở mặt quản lý nhà nước, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho rằng, trong xây dựng Trung tâm CNVH thì thể chế quan trọng nhất là huy động được các nguồn lực để phát triển các khu CNVH, đặc biệt là ở khối tư nhân.
Bên cạnh việc xác định đối tượng cụ thể là Trung tâm CNVH, Khu phát triển thương mại – văn hoá, còn có đối tượng là các doanh nghiệp phát triển hệ thống hạ tầng để phục vụ CNVH, đối tượng là doanh nghiệp liên kết, liên doanh; đầu tư theo hình thức Công - Tư cũng cần được nghiên cứu. Vì như vậy sẽ “cởi trói” được nguồn lực của Nhà nước. Ngoài ra Hà Nội cũng nên lựa chọn những lĩnh vực thế mạnh của thành phố để ưu tiên phát triển vì nguồn lực còn chưa nhiều…
Cũng theo ông Trần Hoàng, Hà Nội nên có cơ chế đặc thù, ưu đãi về thời gian cho thuê đất vì CNVH là lĩnh vực đặc thù, đầu tư dài hạn. Thêm nữa, rất cần quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNVH…
Góp ý cho dự thảo liên quan đến trung tâm CNVH, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đề xuất, cần có yêu cầu cho hoạt động của Trung tâm CNVH là tập trung thúc đẩy, hỗ trợ hệ sinh thái của địa phương như hỗ trợ nghệ sĩ của địa phương, những người sáng tạo ở địa phương.
Với Khu phát triển thương mại – văn hoá cần có quy định để cân bằng giữa văn hoá và kinh tế, thậm chí phải ưu tiên lĩnh vực sáng tạo văn hoá nhiều hơn để đảm bảo hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo, hoặc khởi nghiệp của các nghệ sĩ, sự sáng tạo của nghệ sĩ địa phương.
Bà Hải Vân cũng đề xuất một số định hướng lâu dài là cơ chế thành lập Hội đồng tư vấn để tư vấn trực tiếp cho Thành phố về hoạt động của Trung tâm CNVH; đồng thời cần đào tạo nhân lực quản lý văn hoá địa phương để đáp ứng được sự phát triển của hệ sinh thái rất mới mẻ này.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, kiến trúc sư cũng đề xuất nhưng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, tạo đầu mối hỗ trợ… trong lĩnh vực phát triển CNVH của Thủ đô.
Tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển CNVH là một trong những chủ trương quan trọng của Thành phố nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, Thành phố sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa. Ít nhất trong 3 năm tới, phương án này sẽ được thực hiện.
Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị thúc đẩy phát triển CNVH theo hình thức này. “Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác Công – Tư, phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn chia sẻ.
Ông Lê Hồng Sơn cũng giao Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức tiếp nhận ý kiến góp ý trong xây dựng các dự thảo Trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH) và khu phát triển thương mại – văn hóa bằng nhiều hình thức: fanpage, cổng điện tử… để đông đảo cộng đồng, người dân tham gia.