Truyền thống và đương đại: Cuộc đối thoại sáng tạo

“Mỏ vàng” của công nghiệp văn hóa

THANH NGỌC - THU HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Văn hóa truyền thống Việt Nam không chỉ là di sản quý báu lưu giữ tinh hoa dân tộc mà còn là nguồn tài nguyên vô giá, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và lan tỏa sức mạnh mềm của đất nước.

Thực tế đã chứng minh, khi được khai thác đúng cách, bản sắc văn hóa không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, tạo ra những sản phẩm giàu tính nghệ thuật và giá trị kinh tế.

 Thành công của nhiều dự án trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn của việc kết hợp giữa di sản văn hóa và phát triển kinh tế bền vững.

“Mỏ vàng” của công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Giá trị truyền thống tạo giá trị bền vững, sức hút cho nghệ thuật, sáng tạo. Ảnh: Chương trình “Ký ức Hội An”

Sức hút khó cưỡng

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đạo diễn Nguyễn Huy Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghệ thuật Vạn Show cho biết: Hiện ở Việt Nam có sáu show diễn được đầu tư hàng triệu đô la, trong đó ba show diễn thực cảnh là Tinh hoa Việt Nam, Ký ức Hội An Tinh hoa Bắc Bộ đang bán vé trực tiếp, còn lại được tích hợp trong các gói tham quan, thưởng lãm.

Điểm chung của ba show bán vé trực tiếp là đều khai thác chất liệu từ văn hóa truyền thống, mang đến những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và đầy cảm xúc cho khán giả.

Thành công của các show diễn này đã chứng minh nghệ thuật truyền thống không những là “mỏ vàng” văn hóa mà còn là “gà đẻ trứng vàng” cho du lịch và kinh tế địa phương.

Theo đạo diễn Nguyễn Huy Quang, giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống chính là yếu tố quyết định sức bền của một show diễn. “Làm show diễn bán được 1-2 đêm đã là thành công, bán được vài chục đêm là điều hiếm có, nhưng để duy trì sức hút trong thời gian dài thì cần chiến lược đầu tư bài bản, nghiêm túc. Điều quan trọng nhất là phải lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng, kết hợp với nghiên cứu kỹ lưỡng và sáng tạo đột phá, từ đó tạo ra sản phẩm có đời sống bền vững”, đạo diễn Huy Quang nhấn mạnh.

Ba show diễn thực cảnh đình đám: Ký ức Hội An, Tinh hoa Việt Nam Tinh hoa Bắc Bộ không chỉ khai thác từ những chất liệu văn hóa thuần Việt như áo dài, múa Bắc Bộ, múa Lục cúng, mà còn minh chứng cho sức sống bền bỉ của nghệ thuật truyền thống khi được đầu tư bài bản.

Ký ức Hội An đã có 7 năm biểu diễn liên tục, trong khi Tinh hoa Việt Nam cũng bước sang năm thứ 5 với lượng khách ổn định, khẳng định rằng khi nghệ thuật truyền thống được phát triển chuyên nghiệp, nó hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ mang giá trị văn hóa, những show diễn này còn đóng góp lớn vào kinh tế địa phương. Ký ức Hội An với số vốn đầu tư 500 tỉ đồng, mang về 200 tỉ đồng doanh thu mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm nghệ sĩ và nhân viên.

Tinh hoa Việt Nam cũng mang lại cơ hội nghề nghiệp cho 300 nhân sự nghệ thuật, giúp ổn định cuộc sống của nhiều nghệ sĩ. Đáng chú ý, các show diễn này còn có khả năng “hoán cải diện mạo” cả một khu vực, điển hình là Tinh hoa Việt Nam đã biến vùng Gành Dầu từ một địa phương nghèo khó thành một điểm du lịch sầm uất.

Theo đạo diễn Nguyễn Huy Quang, nếu những địa danh giàu giá trị lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Tây… được đầu tư bài bản, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển du lịch thực cảnh, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế văn hóa của Thủ đô.

Sự chuyển đổi trong phát triển nghệ thuật

Những chương trình nghệ thuật và sản phẩm sáng tạo thành công trong thời gian qua không chỉ thu hút đông đảo khán giả trong nước và quốc tế, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa Việt Nam.

Đáng chú ý, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã trở thành “cơn sốt” thực sự trong năm qua. Điểm đặc biệt của chương trình không chỉ nằm ở yếu tố giải trí hấp dẫn, mà còn ở cách tái hiện đầy sáng tạo và giàu cảm xúc những ca khúc quen thuộc như Đào liễu, Trống cơm, Mẹ yêu con…

Sự kết hợp giữa giai điệu truyền thống và phong cách biểu diễn hiện đại đã giúp chương trình chinh phục nhiều đối tượng khán giả, từ người lớn tuổi đến giới trẻ. Thành công này một lần nữa khẳng định rằng, văn hóa truyền thống vẫn mang trong mình sức sống mãnh liệt, chỉ cần được khoác lên những “chiếc áo” mới phù hợp với thời đại.

Cùng với 32 “anh tài”, NSND Tự Long, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, đã góp phần mang đến làn gió mới cho chương trình. Chia sẻ về thành công này, ông xúc động bày tỏ: “Sau Anh trai vượt ngàn chông gai, chúng tôi có fan từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là cộng đồng người Việt xa quê. Điều này cho thấy, giới trẻ không phải không yêu nghệ thuật truyền thống, mà chỉ là họ chưa có cơ hội tiếp cận đúng cách”.

Thực tế hiện nay, tiếng ầu ơ bên vành nôi, cánh võng ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời sống trẻ em Việt Nam, khi phần lớn các bé được nghe Beethoven, Mozart từ trong bụng mẹ.

Trăn trở về điều này, NSND Tự Long chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tận dụng sức lan tỏa của mình để đưa âm hưởng dân tộc, dân gian đến gần hơn với giới trẻ. Làm mới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc, sáng tạo thêm để nghệ thuật hòa vào hơi thở cuộc sống. Quan trọng là phải đưa truyền thống vào nghệ thuật đương đại một cách khéo léo, để người xưa thấy đó vẫn là của mình, còn người trẻ thì trầm trồ vì quá hay mà bây giờ mới được biết đến”.

Sự thành công của việc làm mới các ca khúc như Đào liễu, Trống cơm không chỉ lay động khán giả ở nhiều độ tuổi mà còn chứng minh sức sống bền bỉ của nghệ thuật truyền thống khi được tiếp cận theo một cách hiện đại, gần gũi.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhận định rằng: Những chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai đã cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong phát triển nghệ thuật. “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn phải song hành. Để tạo ra sản phẩm nghệ thuật vừa mang đậm bản sắc, vừa có sức hấp dẫn trong thời đại mới, cần sự đầu tư sâu sắc, nghiên cứu bài bản. Chỉ có như vậy mới có thể tạo dựng thương hiệu vững chắc trong thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”.

Thành công của những dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thống cho thấy sự đầu tư bài bản về nội dung, hình thức, kỹ thuật biểu diễn, âm thanh, ánh sáng chính là yếu tố then chốt để mang đến cho khán giả trải nghiệm nghệ thuật đỉnh cao.

Không chỉ dừng lại ở các show diễn mang đậm màu sắc truyền thống, nghệ thuật dân gian hoàn toàn có thể được làm mới và kết hợp với những loại hình hiện đại để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn và tiệm cận với xu hướng toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho nghệ thuật truyền thống, quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế là yếu tố không thể thiếu để nâng cao sức ảnh hưởng và giá trị thương mại của các sản phẩm nghệ thuật.

Không thể phủ nhận rằng, văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam là một “mỏ vàng” vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Nếu có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo và chiến lược phát triển dài hơi, chúng ta hoàn toàn có thể biến những giá trị văn hóa ngàn đời thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo, mang lại giá trị kinh tế cao và sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa văn hóa Việt Nam tiến xa trên bản đồ nghệ thuật thế giới.