Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng
VHO- Sáng 28.5, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đã được tổ chức trang trọng tại di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng (Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích này cho lãnh đạo TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Quần thể di tích Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng là di sản văn hóa quý giá của Thủ đô Hà Nội; gắn liền với sự hình thành phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; là điểm sáng về văn hóa, có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, là nơi thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về lịch sử Hai Bà Trưng và thăm quan du lịch.
Cụm di tích Đền-Chùa-Đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật phong phú đặc sắc. Cùng với hồ nước ở trước mặt chính giữa khuôn viên cụm di tích là 3 hạng mục kiến trúc: Đền Hai Bà Trưng có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” là nơi đặt tượng thờ Hai Bà và tượng 6 nữ tướng dàn hai bên. Trong đền còn bảo lưu nhiều di vật quý như 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, 8 pho tượng thờ, 2 tấm bia đá cổ ghi sự tích của Hai Bà, 2 bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án... có giá trị lịch sử nghệ thuật và thẩm mỹ.
Các đại biểu dâng hương
Chùa Viên Minh nằm bên trái đền. Trong chùa Viên Minh hiện còn lưu giữ tấm bia cổ có tiêu đề viên “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” được tạc dưới triều Bảo Đại thứ 7 năm 1932. Hiện trong chùa Viên Minh còn bảo lưu được nhiều di vật, hiện vật có giá trị như 76 pho tượng thờ được tạo tác dưới triều Nguyễn, trong đó có 34 pho tượng Phật, 35 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Tổ, 1 quả chuông đồng đúc vào năm Gia Long 11 (1812), 20 bia đá...
Đình Đồng Nhân nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng, thờ thần Cao Sơn đại vương, Quốc Vương Thiên tử, thần Đô Hồ đại vương. Ngoài 3 vị thần này, đình còn thờ các vị thủy thần có công phụ trợ cho cư dân sống ở ven sông. Đình Đồng Nhân có diện mạo như ngày nay là sản phẩm của lần trùng tu vào năm Bảo Đại Canh Thìn 1940. Giá trị tiêu biểu đặc sắc của di tích là 17 đạo phong sắc, trong đó có 5 đạo sắc của triều Lê, 2 pho tượng phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 2 tấm bia đá ghi lại quá trình trùng tu đình. Các di vật quý, tượng thờ; bia đá cổ, hoành phi, câu đối, cửa võng đều được tạo tác tinh xảo với bàn tay tạo tài hoa của các nghệ nhân dân gian dưới các triều Lê, triều Nguyễn.
Trong không gian cụm di tích còn có các hạng mục kiến trúc như gác chuông, nhà mẫu, nhà tổ, các công trình phụ trợ và cảnh quan khuôn viên, sân vườn khang trang. Đây cũng là nét hiếm thấy ở giữa Thủ đô, còn bảo tồn gần như nguyên vẹn một quần thể kiến trúc với đầy đủ các loại hình kiến trúc tiêu biểu đền, chùa, đình của văn hóa tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.
Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng còn là địa chỉ đỏ cách mạng. Chùa Viên Minh đã được công nhận là địa điểm địa điểm lưu giữ sự kiện cách mạng kháng chiến. Đây là niềm vinh dự và tự hào về truyền thống cách mạng của TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 31.12.2019.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng có giá trị cao về thẩm mỹ, không gian kiến trúc do hệ khung gỗ tạo nên một chỉnh thể cân bằng, ổn định và hài hòa. Vẻ độc đáo của di tích còn thể hiện ở sự phong phú về trang trí điêu khắc trên các bộ phận kiến trúc, các cấu kiện gỗ, sự kết hợp tinh tế các thành phần trang trí, các mảng chạm khắc làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu kiến trúc dân gian ở Thủ đô Hà Nội”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ
Giá trị nghệ thuật của Di tích còn được thể hiện qua hệ thống các di vật phong phú, được chạm khắc tinh xảo với các đề tài trang trí truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo và mang ý nghĩa tượng trưng, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Di tích còn là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa của nhiều học giả trong nước và quốc tế, đã trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, lịch sử hấp dẫn của Thủ đô.
“Việc xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng là Di tích quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để phát huy giá trị di tích hiệu quả, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị chính quyền địa phương triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích, làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. BQL di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật tuyệt đối an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hằng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả mọi nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức đối với những tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo đúng với nội dung, tính chất tín ngưỡng của di tích.
Thứ trưởng lưu ý, về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ truyền thống, thể hiện vai trò chủ thể văn hóa trong lễ hội. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan của di tích để đảm bảo không gian linh thiêng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội; kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.
THẢO NHI, ảnh: QUỲNH ANH