Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3

VHO - Tối 28.10, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 9 năm 2023.

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu dự Lễ đón nhận

Dự Lễ đón nhận có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT,Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo bộ, ban, ngành TƯ; ông Guy Martini, Tổng Thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. 

Về phía tỉnh Hà Giang có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; lãnh đạo các tỉnh: Hải Dương, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bình Dương, Ninh Thuận, Ninh Bình, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Định, Tây Ninh cùng đông đảo người dân và du khách.

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu dự Lễ đón nhận

Việc tổ chức Đón nhận Bằng công nhận tái thẩm định tư cách Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ IX năm 2023 nhằm tôn vinh giá trị di sản đặc sắc, những hình ảnh đẹp về con người, lan tỏa vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng Cao nguyên đá; bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Đây là sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật, nhằm tôn vinh, quảng bá giá trị di sản, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Sau hơn 13 năm phát triển, được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành TƯ và mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu toàn cầu UNESCO, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, văn hóa; phát triển du lịch bền vững phù hợp với chủ trương, quy hoạch, định hướng của Đảng, Nhà nước và tiêu chí của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; tạo sinh kế đa dạng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ một miền đá khó khăn, Cao nguyên đá  Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. 

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 3

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Bằng chứng nhận tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND 4 huyện vùng Cao nguyên đá

Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo; nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn. Lượng khách đến với Hà Giang từ 2.000 lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và dự kiến cả năm 2023 sẽ đạt trên 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển theo hướng bền vững đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét cuộc sống nơi cao nguyên đá. 

Đầu tháng 9.2023, Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 10 tại Morocco đã đánh giá cao và tiếp tục ghi danh danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3.

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 4

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực vượt qua 3 kỳ tái đánh giá. Đồng thời mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến sự phát triển kinh tế, du lịch dựa trên sự đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên để tập trung phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Hà Giang. Có cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan. Nâng cao năng lực quản lý chủ động, hiệu quả, sáng tạo để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ để giảm nghèo bền vững.

Cũng tại chương trình, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao Bằng chứng nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 cho tỉnh Hà Giang.

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 5

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cao nguyên đá nở hoa”

Kết thúc buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa”, gồm 3 chương: Huyền tích Cao nguyên đá; rực rỡ sắc màu hoa trên đá; cao nguyên hùng vĩ đón chào.

Trong khuôn khổ Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 9 năm 2023 và chào mừng sự kiện trọng đại này, UBND tỉnh Hà Giang và các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chào đón du khách khi đến Hà Giang như tổ chức Lễ hội Trà Shan tuyết tỉnh Hà Giang năm 2023 và không gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc được tổ chức tại Công viên cây xanh thành phố Hà Giang; Giải Quần vợt “Cúp Cao nguyên Đá Hà Giang mở rộng lần thứ V được tổ chức tại thành phố Hà Giang; Giải Marathon Quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh phúc” tỉnh Hà Giang lần thứ V năm 2023 được tổ chức tại huyện Mèo Vạc; Giải đua xe ôtô, môtô mạo hiểm “Tinh thần đá” tỉnh Hà Giang lần thứ IV năm 2023 được tổ chức tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ… Hoạt động du lịch trải nghiệm gồm trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc.

Cách Hà Nội khoảng 300km, Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Giang. Cao nguyên đá Đồng Văn với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng tựa như một “thiên đường xám” giữa miền sơn cước địa đầu Tổ quốc thân yêu. 

Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000-1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN của UNESCO, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 - Anh 6

Công viên địa chất có tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, nằm ở miền Bắc Việt Nam có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện. Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m. Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.

Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Du Già và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai,” Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...

Kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lượng khách du lịch đến đây liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu Du lịch quốc gia.

THU LÊ - D.TUẤN

Ý kiến bạn đọc