Giấy Dó làng Bưởi cùng những kỷ niệm với Bác Hồ
VHO- “ Mịt mù khói tỏa ngàn sương Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”
Hay
“ Giã nay rồi lại giã mai
Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày”
Là những câu ca dao, tục ngữ nói về làng nghề làm giấy dó Yên Thái hay sự vất vả khó nhọc của người thợ làm giấy đằng sau những tấm giấy sắc, phong, lệnh…
Ông Nguyễn Phương Khánh giới thiệu về tấm giấy dó được sản xuất dùng để in Di chúc Bác Hồ và Tuyên ngôn độc lập được ông sưu tầm lại.
Trong sách “ Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết năm 1435 có nhắc đến làng nghề làm giấy nổi tiếng ở Yên Thái, còn gọi là làng Bưởi, nằm phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên theo các cụ cao niên trong làng thì cho tới những năm 1990- các hợp tác xã sản xuất giấy dó cuối cùng ngừng hoạt động thì làng nghề cũng đã có ngót nghét 1000 năm hình thành và phát triển, lâu tới mức mọi người còn không rõ ông tổ nghề giấy tên họ là gì mặc dù được thờ phụng trong các làng làm giấy xưa. Thời trung đại nước ta có khá nhiều làng nghề làm giấy ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình.. nhưng giấy Dó làng Bưởi lại được ưa dùng nhất. Trước đây giấy dó làng Bưởi với những đặc trưng riêng có thường được dùng để làm giấy sắc, giấy phong .. cho triều đình phong kiến hay những loại giấy để vẽ tranh, viết thư pháp hay thậm chí là gói hàng. Tuy nhiên sau lần vinh dự đón Bác Hồ về thăm vào đúng ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên ( 6.1.1946), nghề giấy dó làng Bưởi đã có cơ duyên được sản xuất thêm những loại giấy phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt. Sau khi thăm hỏi bà con trong làng, Bác đã đến thăm quan nơi sản xuất giấy cổ truyền của làng và có những chia sẻ thân tình với bà con làng nghề. Theo Bác, bên cạnh việc sản xuất ra được tờ giấy bình thường, đạt tiêu chuẩn thì người dân cũng phải chú ý đến quá trình lựa chọn nguyên vật liệu vào trong khâu sản xuất, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường sinh hoạt của người dân trong làng cũng như khi đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Phú Khánh- Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư phường Bưởi, người dành rất nhiều tâm huyết tìm hiểu về nghề truyền thống xưa của làng cho biết: Bác Hồ cho rằng vùng giấy Bưởi có loại giấy dó lụa tốt, đẹp phù hợp để in tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Và sau này, tác phẩm Truyện Kiều được in trên giấy dó lụa làng Bưởi được chọn làm quà tặng cho bạn bè quốc tế mỗi khi Bác công du nước ngoài hay khi họ đến thăm Việt Nam. Sau lần đó, làng nghề giấy dó Bưởi không còn được đón Bác về thăm nữa nhưng sau khi Bác mất, Trung ương Đảng đã quyết định chọn loại giấy dó lụa của làng Bưởi để cung cấp cho các nhà máy in phục vụ việc in ấn Di chúc của Bác cũng như Tuyên ngôn độc lập, và phải sản xuất trong một năm. Nhận thấy đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là niềm vinh dự của những người thợ giấy Yên Thái, các hợp tác xã đã chọn ra ba tổ thợ lành nghề của ba hợp tác xã để bắt tay vào thực hiện từ những khâu đầu tiên của nhiệm vụ đặc biệt này.
Cổng làng Yên Thái bây giờ
Theo cụ Nguyễn Thị Sinh, bậc cao niên trong làng thì “ ngày đó gia đình nào có người được tham gia sản xuất giấy để làm nhiệm vụ chính trị thì vô cùng tự hào và cảm thấy trách nhiệm cao hơn hẳn, đi đâu cũng được người làng hỏi thăm xem tình hình, tiến độ sản xuất ra sao. Những người thợ đó khi về nhà thì cũng được ưu tiên hơn trong các bữa ăn để đảm bảo sức khỏe…”. Với mỗi khổ giấy dó bình thường có kích thước 40x50 cm thì loại khổ giấy lần này phải có kích thước 42x52cm. Chính vì vậy ngay từ việc chọn cây dó cũng đã phải lựa chọn những cây dó lớn, lụa của cây phải đẹp nên những người thợ phải ngược sông Thao lên các vùng cao như Cao Bằng, Tuyên Quang vào dịp tháng 8 để thu mua những cây dó đạt yêu cầu. Sau khi có được nguyên liệu, tất cả các công đoạn đều phải làm bằng thủ công và rất tỷ mỷ. Việc quan trọng không kém phần chọn nguyên liệu ban đầu là sau khi dó đã được sơ chế thành bột sẽ được mang vào tàu seo ( bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò ngăn cho khi đã hình thành các trang giấy không dính vào nhau) và qua thêm vài bước trang giấy sẽ hình thành và mang đi ép nước rồi phơi khô. Tất cả quá trình seo giấy sẽ được quây kín để tránh bụi bẩn cũng như không pha thêm các loại hóa chất để đảm bảo độ bền của giấy khi đưa vào sử dụng. Và không phụ lại sự mong đợi của lãnh đạo các cấp, làng nghề giấy Bưởi đã cung cấp đủ và đúng chất lượng cũng như thời hạn cho các nhà máy in để hoàn thành tốt việc in di chúc Bác Hồ cũng như Tuyên ngôn độc lập. Sau này khi cầm trên tay bản Tuyên ngôn độc lập hay Di chúc Bác Hồ những người dân làng Yên Thái đều có một niềm xúc động riêng khi trong đó có một phần công sức nhỏ nhoi của bản thân hay những người trong gia đình mình đóng góp trong đó. Càng về sau, khi các nhà máy giấy mở ra, cung cấp những loại giấy có mẫu mã cũng như chất lượng phù hợp hơn với cuộc sống , các làng nghề giấy dó truyền thống không còn đủ sức cạnh tranh và mai một dần. Cho đến năm 1990 hợp tác xã Đông Thành- htx sản xuất giấy dó cuối cùng của làng Bưởi cũng đã giải thể.
Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Phương Khánh vẫn đau đáu nỗi niềm làm sao để có thể khôi phục, lưu giữ và phát triển những giá trị của làng nghề giấy dó cả nước nói chung cũng như làng Bưởi quê ông nói riêng mặc dù ông biết trong thời gian gần đây chất liệu giấy dó đã được ứng dụng nhiều trong mỹ thuật cũng như việc lưu trữ và bảo quản các tài liệu cổ bởi nếu thực hiện đúng các bước làm giấy như xưa thì tuổi thọ giấy dó có thể lên đến vài trăm năm.
Hoàng Lương