Từ ý tưởng đánh thức bãi giữa sông Hồng:

Giải “cơn khát” không gian sáng tạo bền vững

HÀ PHƯƠNG

VHO - Người dân hẳn đang tò mò về cuộc thi tuyển ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Trước đó, dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, ý tưởng sáng tạo bởi một nhóm nghệ sĩ khi ra mắt cũng tạo nên nhiều hiệu ứng…

Giải “cơn khát” không gian sáng tạo bền vững - ảnh 1

 Bãi giữa sông hồng

Những ý tưởng này được kỳ vọng sẽ thiết kế nên các không gian sáng tạo, không chỉ “giải nhiệt” cơn khát từ công chúng mà còn hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Độc đáo thôi, chưa đủ

Từ chủ trương lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn bốn quận gồm Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ, đưa khu vực này thành công viên văn hóa xứng tầm.

Ý tưởng quy hoạch không gian khu vực bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian sống, không gian sáng tạo thú vị, giàu cảm hứng từ lâu đã được đề cập. Đặc thù của khu vực bãi giữa sông Hồng gắn liền với hình ảnh cây cầu Long Biên lịch sử, vị trí nằm ngay cạnh khu vực 36 phố phường nhộn nhịp. Nhìn tổng thể, khi quy hoạch khu vực này sẽ tạo ra không gian mở, xanh, khu vực bãi giữa sẽ trở thành điểm đến vui chơi, giải trí thư giãn đầy hấp dẫn.

Nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc, quy hoạch tin tưởng, nếu cuộc thi tìm kiếm được những ý tưởng khả thi sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, cuộc thi là cơ hội để các bên cùng nghiên cứu và đề xuất giải pháp khai thác các không gian ven sông Hồng một cách hiệu quả, hướng tới việc tạo nên một hành lang xanh dọc theo trục sông Hồng, biến đổi thành một môi trường sống xanh, sạch đẹp và hấp dẫn cho phát triển du lịch cộng đồng.

Với đặc thù của khu vực bãi giữa sông Hồng, theo giới chuyên gia, ý tưởng đưa ra cần đáp ứng được nhiều yêu cầu, điểm nhấn là khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế, tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, phát huy những nét đặc thù riêng của từng quận, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại.

Những ý tưởng khả thi sẽ tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử, hình thành mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn đối với cả nước. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”.

Trong đó, việc tổ chức cuộc thi tuyển sẽ góp phần đảm bảo tính khả thi của Đề án. “Hy vọng, thông qua Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng sẽ phát huy được sức sáng tạo, các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để khai thác không gian đặc biệt này của Thủ đô theo hướng bền vững và sáng tạo”, ông Tuấn nói.

Theo TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cuộc thi ngay từ đầu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn. Hội đồng giám khảo sẽ hết sức công tâm, cập nhật những bến bờ mới của sự đột phá để dự án Công viên văn hoá đa chức năng trở thành dự án sáng giá trong khu vực.

Tọa đàm “Xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng khu vực bãi giữa, bãi nổi sông Hồng: Cơ hội kết nối cộng đồng với thiên nhiên” diễn ra ngay trong khuôn khổ lễ phát động thi ý tưởng cũng đã ghi nhận các ý kiến từ các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan, văn hóa, du lịch…, tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng công viên văn hóa đa chức năng khu vực bãi giữa sông Hồng trở thành một điểm đến thú vị, hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cũng lưu ý, đối với đặc thù của khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng thì chỉ nhìn ở góc lãng mạn, hấp dẫn, cuốn hút thôi là chưa đủ. Những ý tưởng khả thi cần tính toán các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng.

Giải “cơn khát” không gian sáng tạo bền vững - ảnh 2

Biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật thành không gian nghệ thuật sắp đặt

Chú trọng yếu tố chất lượng và sự bền vững

“Đánh thức” khu vực bãi giữa sông Hồng đã từng là những ý tưởng được cho viển vông, không khả thi. Nhưng hiện nay, khi thành phố rốt ráo triển khai lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”, trong đó có việc tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng đang cho thấy quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu có được một công viên văn hóa đa chức năng tại vị trí này một cách gần gũi nhất.

Có những ý kiến hiến kế việc quy hoạch các phân khu chức năng như không gian công viên cây xanh và dạo bộ thư giãn; không gian sáng tạo nghệ thuật gắn với giá trị văn hóa lịch sử Thủ đô và dòng sông Hồng; không gian nghệ thuật cộng đồng; không gian vui chơi, giải trí theo chuyên đề, không gian tập thể thao gắn với mặt nước; không gian thưởng thức ẩm thực, đồ uống; không gian biểu diễn nghệ thuật, tái hiện chợ truyền thống…

Nhìn lại những không gian sáng tạo có tính bền vững ở Thủ đô những năm qua, dù đã được bồi lấp nhưng vẫn là những “cơn khát” cần giải nhiệt. Ngoài những điểm đến truyền thống, đa phần tập trung ở vùng lõi và khu vực trung tâm thì những địa chỉ mới mẻ, hấp dẫn, dần hình thành vị trí lâu dài trong đời sống văn hóa của nhân dân Thủ đô, hấp dẫn du khách dường như vẫn là khoảng trống.

Hình ảnh hàng ngàn du khách tấp nập đến với các không gian trong Khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023, đặc biệt là các không gian nghệ thuật tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… cho thấy nhu cầu của công chúng về những giá trị sáng tạo này ngày càng gia tăng.

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật được sáng tạo bởi nhóm nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn ra mắt cách đây ít ngày cũng là một sản phẩm tạo nhiều hiệu ứng. Được thắp sáng vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, “thủy cung” trên cao khiến cho Hà Nội vào đêm thêm nhiều màu sắc.

Dự án nghệ thuật công cộng này được đánh giá là một trong những thiết kế sáng tạo độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn những giá trị sáng tạo mới lạ của người dân và du khách. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết, công trình ra mắt sau 3 năm lên ý tưởng. Sau khi đưa vào khai thác, cầu đi bộ Trần Nhật Duật sẽ kết nối 2 khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê.

Cây cầu sẽ trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Các không gian sáng tạo đột phá, bền vững không chỉ giải nhiệt được “cơn khát” của người dân mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành những điểm đến đầy sức hấp dẫn.

Theo bà Trương Uyên Ly, nhà nghiên cứu độc lập về không gian văn hóa sáng tạo, trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, các không gian sáng tạo chính là “những ngọn hải đăng”, thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Riêng tại Hà Nội, kết quả rà soát của Hanoi Grapevine vào tháng 9.2023, có đến 124 không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn thành phố, chiếm tỉ lệ nhiều nhất so với cả nước. Những con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh số lượng còn rất cần đến các yếu tố về chất lượng và sự bền vững, lâu dài.

Theo bà Trương Uyên Ly, do đặc thù kết nối, thu hút cộng đồng và lan tỏa giá trị, các không gian văn hóa sáng tạo cũng chính là những “đại sứ truyền thông” vô cùng hiệu quả và đáng tin cậy, góp phần gia tăng ảnh hưởng cũng như uy tín của chính quyền thành phố đối với người dân và bạn bè quốc tế. 

 Nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cũng lưu ý, đối với đặc thù của khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng thì chỉ nhìn ở góc lãng mạn, hấp dẫn, cuốn hút thôi là chưa đủ. Những ý tưởng khả thi cần tính toán các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng.