Đưa văn hóa đọc thấm sâu vào đời sống lực lượng vũ trang
VHO - Văn hóa đọc từ lâu đã được coi là “chìa khóa” giúp nâng cao tri thức, bồi dưỡng nhân cách và bản lĩnh chính trị trong lực lượng vũ trang nước nhà. Những năm gần đây, nhờ không ít nỗ lực và cố gắng, các đơn vị công an và quân đội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển văn hóa đọc; góp phần xây dựng lực lượng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhiều mô hình khuyến đọc
Trong suốt quá trình phát triển, các đơn vị công an và quân đội luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa đọc. Đọc sách không chỉ là phương tiện nâng cao nghiệp vụ mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ tự hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tăng cường tinh thần đoàn kết trong sinh hoạt tập thể.
Điểm sáng trong công tác phát triển văn hóa đọc của lực lượng vũ trang là tổ chức thành công cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Được tổ chức hằng năm, cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ. Thông qua cuộc thi, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng đối tượng; đồng thời định hướng và thúc đẩy thị hiếu, xu hướng đọc lành mạnh. Cuộc thi đã trở thành diễn đàn để cán bộ, chiến sĩ chia sẻ kinh nghiệm cùng các sáng kiến phát triển phong trào đọc sách.
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ và Thư viện Công an nhân dân, thiếu tá Đỗ Thu Thơm, tại các đơn vị công an, các cấp lãnh đạo luôn chú trọng xây dựng hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách gắn liền với phát triển môi trường văn hóa. Nhờ đó, hệ thống thư viện ngày càng hiện đại. Các hoạt động như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được tổ chức định kỳ trong lực lượng đã trở thành những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng.
Các học viện và trường thuộc khối công an đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ bạn đọc. Tài liệu được bổ sung liên tục, kết hợp sách in và sách số, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu. Các chương trình tuyên truyền và khuyến đọc được đẩy mạnh, góp phần phát triển văn hóa đọc hiệu quả.
Ở khối quân đội, Giám đốc Thư viện Quân đội, thượng tá Mạc Thùy Dương chia sẻ, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch 2358/ KH-CT thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc của Chính phủ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm xây dựng nền tảng học tập vững chắc cho toàn quân. Ngoài ra, các đơn vị cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, quyên góp sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; tổ chức sinh hoạt tập thể xoay quanh sách... Những sáng kiến này không chỉ nâng cao tri thức mà còn giúp thắt chặt tình đoàn kết, tạo ra những giá trị bền vững cho lực lượng vũ trang trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Nỗ lực để phục vụ bạn đọc tốt hơn
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song việc phát triển văn hóa đọc trong lực lượng vũ trang vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, các đơn vị đóng quân tại những khu vực xa xôi như biển đảo, nhà giàn, đồn biên phòng gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động thư viện, cung cấp sách báo và tổ chức các hoạt động khuyến đọc. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ít chú trọng đến thói quen đọc sách.
Để phát triển văn hóa đọc trong lực lượng vũ trang, đảm bảo văn hóa đọc sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, công tác, theo nhiều chuyên gia, khối công an và quân đội cần tiếp tục triển khai và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào phát triển văn hóa đọc. Các đơn vị, cơ quan cần xây dựng thư viện số và nền tảng đọc trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập và nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi.
Cùng với đó, tổ chức đa dạng, thường xuyên các hoạt động khuyến đọc như cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam... “Đặc biệt, phải đổi mới hình thức tổ chức hoạt động đọc sách, đảm bảo sáng tạo, phù hợp với đặc điểm đơn vị; đa dạng hóa hình thức phục vụ thư viện, tăng cường luân chuyển tài liệu; kiểm tra, động viên và khen thưởng kịp thời để khích lệ tinh thần tham gia của cán bộ, chiến sĩ”, Giám đốc Thư viện Quân đội, thượng tá Mạc Thùy Dương nhấn mạnh.
Hơn nữa, mỗi đơn vị cần tạo ra môi trường đọc thuận lợi, xây dựng các tổ, nhóm hoạt động tại phòng Hồ Chí Minh; kết hợp phòng Hồ Chí Minh với phòng đọc để trong thời gian nghỉ, cán bộ, chiến sĩ có thể tranh thủ ngồi đọc sách, tận dụng mọi thời gian để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của mình.
Thêm vào đó, tăng cường hợp tác với các thư viện trong và ngoài đơn vị để nâng cao chất lượng nguồn tài liệu. Phó Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ và Thư viện Công an nhân dân, thiếu tá Đỗ Thu Thơm nhận định, các thư viện lực lượng vũ trang cần chú trọng hợp tác liên thư viện trong nước qua việc chia sẻ tài nguyên, cơ sở dữ liệu và tổ chức thêm dịch vụ thư viện phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn vốn cho thư viện. Các đơn vị cũng cần chủ động tham gia hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu tri thức, công nghệ tiên tiến để phát triển công tác thư viện và văn hóa đọc trong lực lượng.