Dự thảo quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Sẽ tháo gỡ vướng mắc với “trường hợp đặc biệt”

VHO- Trước những bất cập nảy sinh từ thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSND, NSƯT) trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng các danh hiệu này thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP.

Dự thảo quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Sẽ tháo gỡ vướng mắc với “trường hợp đặc biệt” - Anh 1

Các nghệ sĩ Thanh Tuấn, Minh Vương ra Hà Nội đón nhận danh hiệu NSND năm 2019

 Với nhiều điểm mới được bổ sung, kỳ vọng sau khi ban hành, Nghị định sẽ đưa công tác xét tặng danh hiệu phù hợp hơn với thực tiễn; tôn vinh “đúng và trúng” các nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Khắc phục bất cập

Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định về xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT sau khi ra đời đã mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác xét tặng danh hiệu cao quý, phần thưởng thiêng liêng dành cho những nghệ sĩ có nhiều sáng tạo, cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Sau 3 đợt xét tặng, đã có 186 NSƯT được tặng danh hiệu NSND; 686 nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT. Bộ VHTTDL cho biết, hiện đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu NSND cho 136 NSƯT và xem xét, xét tặng danh hiệu NSƯT cho 347 cá nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cả hai Nghị định số 89 và 40 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, đặt ra yêu cầu cần xây dựng những quy định mới phù hợp, sát thực tiễn hơn. Theo đó, quá trình xét tặng danh hiệu cho thấy, đối tượng áp dụng cần quy định rõ hơn điều kiện hoạt động nghệ thuật của cá nhân, bao gồm: Cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật công lập; ngoài công lập; cá nhân đang làm công tác giảng dạy hoặc quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng vẫn tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do…, để từ đó quy định về Hội đồng cấp cơ sở tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho phù hợp.

Về đối tượng hoạt động nghệ thuật, thực tiễn cho thấy sự cần thiết bổ sung một số đối tượng để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: Đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”. Về tiêu chuẩn, bổ sung quy định: Phải có 1 giải vàng quốc gia là của cá nhân để xác định rõ giải thưởng của cá nhân; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm như nhạc công, người làm âm thanh, người làm ánh sáng… Việc bổ sung quy đổi giải thưởng này nhằm tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Dự thảo quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Sẽ tháo gỡ vướng mắc với “trường hợp đặc biệt” - Anh 2

 Với nhiều điểm được bổ sung, kỳ vọng sau khi ban hành, Nghị định mới sẽ đưa công tác xét tặng danh hiệu phù hợp hơn với thực tiễn

Bên cạnh đó, để hoàn thiện, khắc phục những bất cập và tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu, Bộ VHTTDL khẳng định, việc ban hành Nghị định thay thế là cần thiết. Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Bản quyền tác giả. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản là căn cứ pháp lý. Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thảo luận nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn, đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến liên quan thông qua các cuộc hội thảo được Bộ VHTTDL tổ chức.

Về một số “trường hợp đặc biệt”, theo Bộ VHTTDL, trước đây “hồ sơ cứ thiếu giải thưởng theo quy định thì được xét là “trường hợp đặc biệt”, vì thế, số lượng hồ sơ loại này thậm chí còn nhiều hơn hồ sơ xét theo tiêu chí giải thưởng. Việc xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt” chưa thực sự căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 đối với danh hiệu NSND và Điều 9 đối với NSƯT, nên có những hồ sơ thiếu cả tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn được trình lên Hội đồng cấp trên, hoặc xét cho những nghệ sĩ tuổi đời còn rất trẻ, chưa thể hiện sự cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc…”. Để khắc phục những bất cập này, dự thảo Nghị định được soạn thảo trên cơ sở nhìn thẳng vào hiện thực khách quan để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tồn tại, đặc biệt là sự lúng túng ở một số hội đồng cấp Bộ, tỉnh trong việc xét tặng danh hiệu theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”, dẫn đến tình trạng xem xét chưa đúng.

Bên cạnh đó còn là vướng mắc về việc xác nhận thành phần tham gia của cá nhân trong chương trình, vở diễn, tiết mục đạt giải thưởng để tính quy đổi. Vướng mắc trong xác nhận về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đối với các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do hoặc đối với những nghệ sĩ lớn tuổi, tham gia hoạt động nghệ thuật từ lâu, được đào tạo truyền nghề, không qua trường lớp chuyên nghiệp, việc có được hợp đồng lao động từ đơn vị nghệ thuật từ thời điểm mới vào nghề là rất khó. Hồ sơ thiếu yếu tố chứng minh thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp gây khó khăn cho Hội đồng các cấp khi xét danh hiệu.

Dự thảo quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Sẽ tháo gỡ vướng mắc với “trường hợp đặc biệt” - Anh 3

 Danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng thiêng liêng, cao quý dành cho những nghệ sĩ có nhiều sáng tạo, cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà

Quy định mới để gỡ khó

Dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương, 19 điều, gồm: Những quy định chung; Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Điều khoản thi hành.

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, đối với NSND, ngoài những tiêu chuẩn chung, quy định có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn 20 năm trở lên (15 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa), đã được tặng danh hiệu NSƯT, thì cá nhân được xét tặng danh hiệu còn phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân, hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 1 giải Vàng quốc gia cá nhân và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc).

Đối với danh hiệu NSƯT, ngoài tiêu chuẩn chung, quy định có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn 15 năm trở lên (10 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa), có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân, hoặc ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân, hoặc ít nhất 3 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 1 giải Vàng quốc gia cá nhân và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc).

Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định lần này với nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh trong thực tiễn. Bên cạnh việc quy định rõ hơn điều kiện hoạt động nghệ thuật của cá nhân, dự thảo đã bổ sung thêm một số đối tượng hoạt động nghệ thuật để bảo đảm quyền lợi của nghệ sĩ. Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, quy định bổ sung: Cá nhân phải có “1 Giải vàng quốc gia là của cá nhân” được đồng thuận bởi đây là quy định nhằm xác định rõ giải thưởng của cá nhân. Bên cạnh đó, bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm như nhạc công, người làm âm thanh, người làm ánh sáng, biên đạo múa vở diễn sân khấu… Đây là những thành phần không thể thiếu trong các chương trình, vở diễn, có nhiều đóng góp vào thành công của vở diễn nhưng chưa được tính quy đổi giải thưởng, và trong cơ cấu giải thưởng của các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp rất ít khi trao giải cá nhân.

Dự thảo cũng điều chỉnh tên gọi một số chức danh hoạt động nghệ thuật và tên gọi một số giải thưởng cho tập thể, cá nhân cho chính xác hơn ở thời điểm hiện nay; điều chỉnh quy định số lượng, thành phần của từng cấp hội đồng cho phù hợp; quy định hồ sơ, cách thức gửi hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của 3 cấp hội đồng. Những quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho từng cấp xét tặng; bảo đảm sự minh bạch, thuận lợi và khoa học, thống nhất… 

 Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành... Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản là căn cứ pháp lý.

Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thảo luận nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn, đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến liên quan thông qua các cuộc hội thảo được Bộ VHTTDL tổ chức.

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc