Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng Túy Loan

MINH CHÂU

VHO - UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chính thức tổ chức lễ công bố quyết định Di sản phi vật thể quốc gia nghề bánh tráng Túy Loan.

Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh tráng Túy Loan” được Bộ VHTTDL ban hành quyết định số 374, ngày 21.2.2024 về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc Bộ VHTTDL đưa "Nghề làm bánh tráng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản.

Qua đó cũng thể hiện sự ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, cộng đồng làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản.

Đồng thời là điều kiện thiết yếu để địa phương tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị của làng nghề.

Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, nghề làm bánh tráng Túy Loan được hình thành từ lâu đời, gắn kết với nhiều giá trị văn hóa, di sản, với làng cổ Túy Loan.

Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng Túy Loan  - ảnh 1
Lễ công bố quyết định Di sản phi vật thể quốc gia nghề bánh tráng Túy Loan

Bao thế hệ người dân nơi đây đã gìn giữ nghề, không chỉ để mưu sinh mà còn giữ nghề truyền thống của cha ông như giữ nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

Để nghề làm bánh tráng tiếp tục trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch làng nghề đặc trưng, góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Tấn Xử đề nghị chính quyền địa phương và cộng đồng làng nghề với những lợi thế và tiềm năng phát triển, tiếp tục phát huy giá trị di sản.

Gắn chặt việc bảo tồn làng nghề bánh tráng Túy Loan với nhiệm vụ xây dựng Đề án, kế hoạch "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề làm bánh tráng Túy Loan gắn với phát triển du lịch cộng đồng".

Hiện nay, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang còn 15 hộ gia đình duy trì thường xuyên nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở làng Túy Loan. Mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm, toàn xã Hòa Phong có trên 40 hộ cùng tham gia tráng bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp bánh tráng ra thị trường.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp; sự đồng lòng, chung sức của bà con làng nghề, "Nghề làm bánh tráng Túy Loan" với những kinh nghiệm dân gian, bí quyết, kỹ thuật làm bánh tráng không ngừng được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng Túy Loan  - ảnh 2
Nghề làm bánh tráng ở Túy Loan, huyện Hòa Vang

Những chiếc bánh tráng thơm ngon - sản phẩm của nghề đã trở thành đặc sản ẩm thực không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, trên mâm cúng gia tiên hay làm món quà ngon biếu tặng người thân, bạn bè vào dịp lễ, Tết… Điều đó chứng tỏ, nghề truyền thống này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Từ năm 2014, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Phong xây dựng "Đề án Phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng".

Trong đó quan tâm chú trọng đến phát triển sản xuất, tiếp tục lưu giữ và quảng bá thương hiệu sản phẩm bánh tráng Túy Loan, gắn phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan với du lịch nhằm giải quyết việc làm, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết: “Đối với các hộ sản xuất bánh tráng theo phương pháp thủ công truyền thống đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư làm bánh và hỗ trợ một số máy móc, vật dụng như: máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không, nhãn hiệu, bảng hiệu giới thiệu thương hiệu nghề làm bánh tráng…với tổng mức hỗ trợ khoảng 30 triệu/hộ.

UBND xã Hòa Phong đã xây dựng và triển khai thực hiện Phương án phát triển nghề làm bánh tráng Túy Loan giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn xã, hướng tới mục đích có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề làm bánh tráng gắn với các tour du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng".

Hiện, thành phố Đà Nẵng có 7 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, Nghệ thuật Bài Chòi dân gian Đà Nẵng, Nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn và tháng 2/2024 vừa qua, Nghề làm bánh tráng Túy Loan vinh dự được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.