Quảng Ngãi:
Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định
VHO – Sáng 18.8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 160 năm Ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864 – 20.8.2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định.
Tại buổi lễ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định.
Đền thờ Trương Định được xây dựng năm 2007, nằm dưới chân núi Đầu Voi, mặt quay về hướng Bắc với diện tích tổng thể là 26.668m2. Di tích gồm các hạng mục công trình: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà khách, sân vườn, tường rào bao quanh và khu vực Núi Đầu Voi.
Năm 2014, Đền thờ Trương Định được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến năm 2023, được Bộ trưởng Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Đền thờ có dạng nhà ba gian gồm gian chính và hai gian bên. Gian thờ là nơi đặt tượng bán thân anh hùng dân tộc Trương Định. Hai gian bên là phối thờ tả ban, hữu ban, thân mẫu của Trương Định – vợ chính thất của Vệ úy hữu thủy vệ lãnh binh tỉnh Gia Định Trương Cầm, vợ chính thất của Đô úy Quản cơ Trương Định, Trương Quyền – con trai Trương Định cùng các nghĩa binh tham gia cuộc khởi nghĩa Trương Định.
Tiếp đến là nhà trưng các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định.
Đọc diễn văn tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, Anh hùng Trương Định (SN 1820), làng Tư Cung, nay xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền khai hoang lập ấp ở Gia Thuận (thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay) sau đó được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ kiêm Chánh tổng huyện. Nhân dân địa phương trong vùng gọi ông là Quản Định.
Năm 1859, khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ. Nhờ tài đức, dũng cảm, gan dạ, tiên phong trong các trận đánh và lập nhiều chiến công, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho ông giữ chức Phó Lãnh binh Gia Định.
Bằng tài thao lược, uy tín, sự tín nhiệm của nghĩa binh và nhân dân, Trương Định xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến mạnh nhất, thúc đẩy các phong trào yêu nước trong khu vực và Nam bộ phát triển mạnh mẽ. Tháng 2.1863, nghĩa binh đắp đàn làm lễ bái tướng, suy tôn ông lên làm “Bình Tây Đại nguyên soái”, tự xưng danh “Trung Thiên tướng quân”.
Năm 1864, sau khi Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hy sinh. Để tưởng nhớ nhân cách, tài năng và công lao to lớn của Trương Định, nhân dân đã lập nhiều đền thờ, miếu thờ mang tên ông.
Cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử và mãi mãi còn in đậm trong những trang sử vàng kháng Pháp của Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, bởi tầm vóc và ảnh hưởng lớn lao, sâu sắc của nó trong một giai đoạn bi hùng của lịch sử dân tộc.
“160 năm đã trôi qua kể từ ngày anh hùng dân tộc Trương Định hy sinh, nhưng hình ảnh của người nghĩa quân và dấu ấn cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo, vẫn mãi còn in đậm trong những trang sử vàng kháng chiến chống Pháp của Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn bày tỏ.
Sau lễ đón nhận, các đoàn đại biểu, người dân và các em học sinh cùng thành kính dâng lên nén nhang tưởng vọng, mong anh linh Anh hùng Trương Định mãi mãi sống trong hồn thiêng sông núi, mãi mãi sống với quê hương đất nước đang đổi mới hôm nay.