Đề xuất đưa vào danh mục kiểm kê các di tích của Biệt động Sài Gòn

VHO - UBND Quận 1 vừa có văn bản đề xuất Sở VHTT TP.HCM bổ sung danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 đối với 3 di tích của Biệt động Sài Gòn.

Đề xuất đưa vào danh mục kiểm kê các di tích của Biệt động Sài Gòn - Anh 1

Nhiều cơ quan, đoàn thể thường xuyên đến tham quan, ôn lại truyền thống cách mạng tại các di tích của Biệt động Sài Gòn

Đề xuất của UBND Quận 1 nêu rõ, qua quá trình rà soát hằng năm, UBND Quận 1 nhận thấy trên địa bàn có ba địa chỉ đỏ, là nơi chứa vũ khí, che giấu cán bộ và cất tài liệu mật của đơn vị Biệt động 159 của Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Những địa chỉ đỏ này gắn liền với các di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn, nhưng chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể đó là các địa chỉ: Nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1. Đây là nơi ông bà Đỗ Miễn (tự Vượng), làm tiệm cơm tấm Đại Hàn, là nơi chứa hộp thư bí mật, để làm nơi giao liên, hội họp, giao nhiệm vụ, tài liệu của Lãnh đạo nằm vùng chuyển thư từ, tài liệu ra miền Bắc và vào Chiến khu lúc bấy giờ. Nhà số 368 Hai Ba Trưng, phường Tân Định, Quận 1 là bình phong mang tên Hiệu vàng Phú Xuân - Vĩnh Xuân, có hầm ngầm và cả hầm đứng, dùng để chứa tài liệu, tiền vàng, và che giấu cán bộ, phục vụ trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, của gia đình liệt sĩ Phạm Thị Chinh (hay Phạm Thị Phan Chính) vợ Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Trần Văn Lai. Và nhà số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, là cơ sở Nghiệp đoàn Ngọc Quế có hầm nổi tại phòng khách phía sau tầng thượng, là nơi bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế thùng xe để chở vũ khí, tài liệu, chất nổ từ chiến khu ra vào nội thành Sài Gòn. Hiện cơ sở này là Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Trong thời gian qua, hai địa chỉ 113A Đặng Dung và 145 Trần Quang Khải đã được con cháu gia đình AHLLVT Trần Văn Lai phục dựng đưa vào sử dụng. Địa chỉ 368 Hai Bà Trưng đang được gấp rút hoàn thành. Những di tích nói trên đã trở thành điểm đến mới và quen thuộc đối với các đoàn cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, các hội, đoàn, sinh viên, học sinh, giới trẻ... đến tham quan, học tập kiến thức lịch sử, văn hóa, và ôn lại truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh. Các di tích lịch sử này cũng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách nước ngoài, những người quan tâm đến lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam. 

Đề xuất đưa vào danh mục kiểm kê các di tích của Biệt động Sài Gòn - Anh 2

Sinh viên tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tháng 3.2023 trong chương trình “Hành trình đến với bảo tàng - địa chỉ đỏ”

Nói thêm về Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định, trong đơn đề nghị xếp hạng di tích gửi Giám đốc Sở VHTT TP.HCM ngày 15.2.2023, bà Đoàn Dương Thái Anh, chủ sở hữu Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, qua quá trình sở hữu, quản lý, nhận thấy di tích có những giá trị tiêu biểu. Cụ thể, về giá trị lịch sử: Bảo tàng nằm trong căn nhà hơn 50 năm tuổi, từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động 159 Quân khu Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định gắn liền với hoạt động và chiến tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nằm ở tầng hai của một căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, Quận 1. Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Cửa thang máy làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ, khắc nhiều họa tiết bên trong. Chiếc thang máy cổ có từ khi căn nhà được xây dựng. Về giá trị văn hóa, Bảo tàng là nơi trưng bày hơn 1.000 hiện vật, hàng trăm cổ vật quý hiếm, tranh ảnh, huy chương, giấy khen của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu giữa lòng địch. Nơi chứa dựng sức mạnh tinh thần bất diệt, anh dũng, kiên cường của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Về giá trị thẩm mỹ, căn nhà hai tầng và vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà cổ. Các đồ vật như bàn, ghế, tủ, đồ dùng sinh trong ngôi nhà vẫn còn nguyên và được bài trí gần giống trước kia. Giá trị khoa học: Bảo tàng thông minh với các ứng dụng công nghệ tương tác hình ảnh, xem phim về lực lượng Tình báo - Biệt động Sài Gòn. Bên cạnh đó, xét về giá trị kinh tế, Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định gắn kết phát triển du lịch góp phần tạo sự phát triển chung của TP.HCM. 

“Vì vậy, chúng tôi làm đơn này trân trọng đề nghị Sở VHTT TP.HCM xem xét đưa địa chỉ nêu trên vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025; đồng thời xem xét lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích theo quy định pháp luật”, bà Đoàn Dương Thái Anh bày tỏ.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc