Để “vốn quý” tài năng văn hóa, nghệ thuật không phai nhạt
VHO - Ngày 12.11 tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật”.
Vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc
Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương, người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh, tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, nhiều tài năng đã bộc lộ ngay trước cả tuổi trưởng thành.
“Những tài năng trẻ ấy sẽ được thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, được chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, những tài năng ấy sẽ khó có điều kiện phát triển, không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt...”, ông Hoàng Hà nhấn mạnh.
Chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng luôn được coi trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ: “Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ”.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ trong hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật đã được đầu tư.
Các liên hoan, hội diễn, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật… diễn ra ở nhiều tỉnh, thành; nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tạo không gian hữu ích cho các nghệ sĩ trẻ cống hiến, thể hiện.
Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, phục hồi, bảo tồn cũng là nguồn khích lệ cho những nghệ nhân, những người trẻ thêm gắn bó với di sản của ông cha để lại.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển.
GS.TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, tài năng nghệ thuật để phát triển đúng hướng rất cần được đào tạo bài bản, cùng với sự tự thân khổ luyện, không ngừng rèn dũa… Nghệ sĩ trẻ, tài năng được những người thày giỏi dìu dắt, truyền nghề thì nhất định sẽ thành công.
Theo bà Lê Thị Hoài Phương, môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... là những yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của nghệ sĩ.
GS.TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng, nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách phù hợp dành cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, cần tính tới tính đặc thù của lĩnh vực này để giảm bớt những bất hợp lý, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên cũng như học sinh, sinh viên phát huy khả năng, nhiệt huyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài năng, cống hiến cho xã hội.
Phát huy vai trò của nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ
Nhà nghiên cứu, phê bình lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống, nếu như các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ giống viên ngọc còn ẩn mình trong đá, rất quan trọng nhưng để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo.
Trong khi, nếu đề cập tới khía cạnh sáng tạo giá trị mới trên nền tảng của di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc thì vai trò của người trẻ rất quan trọng. Từ trên thực tế hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận âm nhạc, đồng thời hoạt động cả trong lĩnh vực báo chí liên quan đến văn hóa nghệ thuật, người viết đã có những trải nghiệm trực tiếp hoặc quan sát, đồng hành liên quan đến sự tham gia của người trẻ trong bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống và sáng tạo giá trị mới.
Từ góc nhìn này, nhạc sĩ Quang Long nêu 3 trường hợp liên quan đến 3 bộ môn nghệ thuật có truyền thống hàng trăm năm nhưng có nguy cơ thất truyền, với nỗ lực sáng tạo, những giá trị truyền thống đã dần hồi sinh và phát huy trong đời sống. Điều đáng nói, cả 3 trường hợp đều đã có những kết quả nhất định nhưng đều có chung xuất phát điểm là bắt đầu tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy từ thời điểm còn ở độ tuổi thanh niên.
Bản thân nhà nghiên, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng là người góp phần phục hồi và phát huy nghệ thuật hát Xẩm. Nhạc sĩ cho biết, anh có may mắn được trực tiếp tham gia vào quá trình phục hồi, đưa hát Xẩm trở lại.
“Phục hồi hát Xẩm có lộ trình riêng, hành trình làm mới Xẩm của riêng chúng tôi là sáng tạo bài mới cho hát Xẩm, kết hợp hát Xẩm với nhạc đại chúng, xu hướng dành cho giới trẻ…”, anh Long cho biết.
Đề xuất giải pháp, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, cần nhìn nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản, từ khía cạnh bảo tồn, phục hồi đến phát huy và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống.
Đồng thời, cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người trẻ có trình độ, có thực tiễn, đam mê sáng tạo, cải tiến những phương thức cũ và sáng tạo những giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống.
NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật có nhiều điểm tích cực, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, tài năng trẻ tham gia hoạt động và cống hiến trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang ngày càng trở nên nổi bật. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ âm nhạc, hội họa đến múa, xiếc và điện ảnh, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa nghệ thuật. Họ dám thử nghiệm với các thể loại nghệ thuật mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra những xu hướng mới trong văn hóa nghệ thuật…
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, cần thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ trong văn hóa nghệ thuật để cung cấp, tài trợ học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp.
Đồng thời, cần chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ. Thành lập quỹ tài chính để hỗ trợ các tài năng trẻ trong việc học tập, nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Tài trợ dự án nghệ thuật, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ khởi xướng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền văn hóa toàn cầu ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, vai trò của nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ là những người kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là lực lượng sáng tạo chính trong việc xây dựng và làm mới các ngành công nghiệp văn hóa.
Những tài năng trẻ này đóng góp không chỉ bằng tài năng nghệ thuật mà còn qua khả năng đổi mới, sáng tạo và khả năng thích ứng với xu thế mới.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, sự phát triển và đóng góp của nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ vẫn gặp phải nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế trong cơ hội phát triển và sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ.
“Để tài năng trẻ có thể phát huy hết tiềm năng của mình và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả là vô cùng cần thiết…”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.