Để bến Vũng Rô mãi là chứng tích lịch sử hào hùng

PHAN HIẾU - NGUYỄN TRIỀU

VHO - Vũng Rô là một địa danh lịch sử, gắn liền với con đường vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước.

Không chỉ vậy giờ đây, bến Vũng Rô trở thành Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển của tỉnh Phú Yên, cũng như trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, là điểm đến ý nghĩa trong phát triển du lịch bền vững… của địa phương.

Để bến Vũng Rô mãi là chứng tích lịch sử hào hùng - ảnh 1
Bến Vũng Rô gắn liền với con đường vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Con đường huyền thoại trên biển

Trong dịp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ tàu Không số vào biển vừa qua, chúng tôi được nghe Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 kể lại hành trình lịch sử hào hùng của những chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào Bến.

“Sau 7 lần chỉ huy tàu chở vũ khí cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khi tôi được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô, chi viện cho quê hương mình đánh giặc, lúc ấy cảm giác tôi vui sướng và xúc động lắm vì mong ước đó đã trở thành sự thật. Với tinh thần phấn khởi tôi cùng các đồng đội đã chuẩn bị, nghiên cứu tài liệu tìm hướng đi vào bến an toàn, bảo đảm vũ khí chi viện đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk đánh giặc”, ông Thạnh nhớ lại và kể tiếp, ba lần Tàu vào bến là ba lần diễn ra những cuộc đấu trí căng thẳng tột độ giữa chúng tôi và địch. Để thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của kẻ địch, chúng tôi đã ngụy trang như một tàu đánh cá cho anh em đem lưới ra vá, đưa cá ra phơi treo cờ “3 sọc” lên cột tàu cho một thủy thủ cầm một chai nước (già rượu) giơ lên như vẫy gọi như mời chào “người anh em” xuống nhậu nhằm để che mắt quân thù. Tất cả đều vì sự thành bại của chuyến đi.

Để bến Vũng Rô mãi là chứng tích lịch sử hào hùng - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển của Thủ tướng chính Phủ cho tỉnh Phú Yên

Bến Vũng Rô gắn liền với con đường vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước.

Từ Bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, được hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công ngày đêm vận chuyển vũ khí, hàng hóa về hậu cứ và tỏa đi khắp các tỉnh của chiến trường Nam Trung Bộ. Từ tháng 11.1964 đến tháng 2.1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số, chi viện gần 200 tấn vũ khí cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của quân và dân 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk được nâng lên, đã lập nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy trên chiến trường Khu 5.

Đứng trước di tích bến Vũng Rô, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh Bến Tàu Không số Vũng Rô nghẹn ngào: “Ngày ấy không chỉ có tiếng cười, niềm vui, mà còn có những giọt nước mắt đau thương trong sự hy sinh mất mát của cán bộ, thủy thủ và lực lượng tại bến - khi tàu 143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô. Các anh, chị đã dũng cảm ngoan cường chiến đấu bảo vệ tàu, bến và nhiều đồng đội đã hy sinh hòa mình vào nước biển Vũng Rô và biển trời của Tổ quốc... đã để lại trong lòng cán bộ thủy thủ chúng tôi niềm tiếc thương vô hạn”.

Ông Đăng Minh, một soạn giả đến từ hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi đến Vũng Rô 2 lần rồi, lần nào đến đây tôi cũng có những cảm xúc thật đặc biệt. Tuy nhiên lần này được vinh dự hơn, vì trực tiếp lắng nghe những tâm sự của những nhân chứng sống trong hành trình tạo nên chứng tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” lịch sử. Quả thật thời điểm ấy, ông cha mình rất anh hùng, gan lì và yêu đất nước không sợ nguy hiểm, dẫu có thiếu thốn trăm bề nhưng quân đội ta quyết tâm rất cao để bảo vệ đất nước.

Để bến Vũng Rô mãi là chứng tích lịch sử hào hùng - ảnh 3
Cán bộ, đoàn viên thanh niên tỉnh Phú Yên chụp ảnh lưu niệm cùng nhân chứng lịch sử tại bến Vũng Rô

Theo nhà soạn giả Đăng Minh, cứ đi như vậy mình càng yêu quý, kính trọng tiền nhân và thấy có trách nhiệm sáng tạo ra những tác phẩm để ghi nhớ công ơn của họ. Từ những chuyến đi về Vũng Rô, hải đảo mà gần đây tôi đã viết vở Hải đội Hoàng Sa được giải B và Đoàn cải lương Hương Tràm dàn dựng, biểu diễn rất thành công.

Quảng bá hình ảnh lịch sử hào hùng đến du khách

Đến với Vũng Rô hôm nay, chúng ta không chỉ thấy một hình ảnh bến Vũng Rô hào hùng trong chiến đấu, mà còn là điểm đến du lịch văn hóa, du lịch lịch sử để giới thiệu với các du khách trong và ngoài nước về cảnh đẹp thiên nhiên cùng một huyền thoại lịch sử trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung, của tỉnh Phú Yên nói riêng.

Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên Lương Minh Tùng chia sẻ: Tuổi trẻ Phú Yên tri ân và tự hào về truyền thống anh hùng của cha anh đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển, những người đã khai mở và thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ hậu phương vào tiền tuyến trên con đường huyền thoại nơi biển Đông. Ngày nay, Vũng Rô là một khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, mở ra nhiều cơ hội phát triển về kinh tế cho tỉnh Phú Yên. Đây chính là động lực thôi thúc mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nỗ lực học tập, lao động và sản xuất. 

Để bến Vũng Rô mãi là chứng tích lịch sử hào hùng - ảnh 4
Tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên nhiều hiện vật quý hiếm về Tàu Không số được trưng bày nơi đây

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết: Vũng Rô và khu vực xung quanh đang xúc tiến đầu tư để trở thành khu vực cảng biển sầm uất, là cửa ngõ hướng ra biển Ðông, đầu mối giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ; tạo tiền đề quan trọng để Vũng Rô nói riêng, Phú Yên nói chung, cùng cả nước, tiếp tục mạnh lên về biển, làm giàu từ biển, góp phần không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Tỉnh Phú Yên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân để mỗi người thêm yêu đất nước, yêu biển, đảo. Cùng với đó, phát huy ý nghĩa lịch sử của sự kiện, của đoàn Tàu Không số, của đường Hồ Chí Minh trên biển để quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa của đất nước đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

“Chúng tôi sẽ tập trung huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, đưa Bến Vũng Rô và Đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, là điểm đến ý nghĩa trong phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước”, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh và chia sẻ, kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số diễn ra vào thời điểm đất nước chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.