Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương

Ngược bến Vũng Rô (Phú Yên) ra K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), điểm xuất phát con đường lịch sử, con đường mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chúng tôi được nghe bao câu chuyện xúc động từ chính những con người quả cảm đã viết nên huyền thoại.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 1

Bến Vũng Rô (Phú Yên)- nơi các đoàn tàu không số theo Đường Hồ Chí Minh trên biển cập bến 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với những kỳ tích “Đoàn tàu không số” mãi là bản thiên hùng ca bất tử về những tấm gương hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Pho sử sống trên Biển Đông

Những ngày này, Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh, Thuyền trưởng con tàu không số năm xưa, quê ở Phú Yên đang cùng đồng đội chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm (1964-2024) chuyến tàu không số đầu tiên theo “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cập cảng Vũng Rô.

Ngôi nhà của anh hùng Hồ Đắc Thạnh nằm trong con ngõ trên phố Lê Hồng Phong (TP Tuy Hòa), tách biệt với những ồn ào phố thị. Đón chúng tôi, hình ảnh đầu tiên vị anh hùng trỏ tay khoe là con tàu không số in dấu bao ký ức lịch sử năm nào. Lật giở từng trang ký ức, cựu binh Hồ Đắc Thạnh kể: “Tôi là thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những chuyến đầu chủ yếu đi vào các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… cung cấp cho chiến trường miền Nam. Mỗi lần đi qua Vũng Rô, lại nhớ khôn nguôi “khúc ruột miền Trung dài dằng dặc”, nơi tôi đã sinh ra. Lòng chỉ mong một ngày nào đó mình được chỉ huy tàu cập bến quê hương. Những năm tháng ấy, các con tàu của ta đều chọn lúc thời tiết xấu, mưa bão và đi trong màn đêm, vượt sóng gió và trên đó là những trái tim nhiệt huyết, những thanh niên tràn trề niềm tin, lý tưởng. Tất cả đều muốn cống hiến cho Tổ quốc. Có đi trong mạo hiểm, rủi ro như thế mới che mắt địch và vận chuyển vũ khí, chiến sĩ cho các chiến trường”.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 2

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (nguyên thuyền trưởng tàu không số quê ở Phú Yên) say sưa kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trên những chuyến tàu không số với phóng viên Báo Văn Hóa

Vị thuyền trưởng anh hùng trong câu chuyện kể với chúng tôi thi thoảng lại lặng đi. Dường như những năm tháng đau thương, gian khổ mà kiêu hùng vẫn đang hiển hiện. Ông nói, trời phú cho ông nhiều thứ, trong đó có trí nhớ mẫn tiệp. Để đến hôm nay, sáu thập kỷ đã trôi qua trong ông vẫn luôn hiển hiện, như vừa mới hôm qua. Chuyến tàu không số thứ 8 (năm 1964) trong số 12 chuyến làm thuyền trưởng, ông Thạnh được lệnh vào Vũng Rô. Mừng vui khôn xiết vì được cập bến quê hương, ông quyết tâm phải về bến an toàn. Nhưng vào Vũng Rô là vào cửa tử. Địch tuyên bố, không một con kiến nào có thể vượt qua tầm kiểm soát, phong tỏa của chúng. Cả đường biển, đường bộ, trên không…, địch quần thảo liên tục nhằm ngăn chặn mọi đường tiếp tế của quân đội ta. “Có lẽ, địch cũng không ngờ, nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất, nếu chúng ta biết chớp thời cơ. Bốn chuyến tàu vào Vũng Rô thì tôi làm thuyền trưởng 3 chuyến, đều thành công”, ông Thạnh kể, ánh mắt sáng lên vẻ tự hào.

Gần 90 tuổi, người cựu binh già Hồ Đắc Thạnh vẫn không thể nào quên những chuyến đi “thần tốc”, đầy hiểm nguy trên đường Hồ Chí Minh giữa biển cả mênh mông. Ông nhớ lại, ngày 26.11.1964, ông làm thuyền trưởng Tàu 41, bắt đầu xuất phát từ bến K15, sau hơn hai ngày lênh đênh, tránh địch, đến trưa 28.11 tàu đến gần Vũng Rô. Các thủy thủ trên Tàu 41 đã khéo léo ngụy trang chờ đến tối để lực lượng địa phương tại bến Vũng Rô bốc dỡ 63 tấn vũ khí và rời bến, trở ra Bắc an toàn. “Những ngày cuối cùng năm 1964, chuyến thứ 2 tôi làm thuyền trưởng và Vũng Rô vẫn là điểm cập bến. Trên tàu, ngoài vũ khí còn có 4 cán bộ chi viện và chở theo 3 tấn gạo thơm cho các chiến sĩ, dân công ở bến đang thiếu lương thực. Sau khi ngụy trang và ở lại một ngày, ta đã bốc dỡ hàng và tàu đã ra, vào vịnh Vũng Rô an toàn tuyệt đối”, ông Hồ Đắc Thạnh kể.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 3

Trong cuộc chiến sinh tử có những thứ vô cùng giản dị nhưng khiến chúng tôi nhớ suốt cuộc đời. Bến Vũng Rô hôm đó, có cô dân công Nguyễn Thị Tản mang đến cho các thủy thủ của Đoàn tàu không số một món quà đặc biệt, là nắm đất quê hương, cô Tản gói kỹ trong chiếc khăn tay để chúng tôi mang ra Bắc.

(Anh hùng LLVTND HỒ ĐẮC THẠNH)

Ký ức người anh hùng không thể quên một chuyến đi huyền thoại, với chính những cảm xúc trong ông. Kết thúc chuyến thứ hai, vừa về Hải Phòng, ông Hồ Đắc Thạnh lại nhận được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào bến Vũng Rô. Đó là chuyến đi mà ông được “về quê” vào đúng Giao thừa. “Chuyến đi đúng Giao thừa Tết cổ truyền Ất Tỵ (31.1.1965). Tôi còn nhớ khi tàu ta vào bờ, tranh thủ sơ hở của địch để chuyển hàng vào bến an toàn. Khoảng 23h50, tàu vào đến vịnh, sát bờ, pháo địch bất ngờ bắn trắng trời. Ngỡ là tàu bị lộ nhưng đúng thời khắc đó, dưới buồng báo vụ, từ radio vang lên lời thơ chúc Tết của Bác Hồ. Anh em trên tàu, ai cũng vỡ òa hạnh phúc vì tàu đã vào bến an toàn”, đôi mắt của người lính già như chực rơi nước mắt. Trên chuyến tàu năm đó, tàu của ông mang cả thuốc lá điếu, trà và thật tuyệt là có cả một cành hoa đào Nhật Tân đỏ thắm để tặng cán bộ, chiến sĩ ở bến đón Tết Ất Tỵ. Món quà chân tình đó là trái tim của hậu phương trao gửi tới tiền tuyến. Càng vui hơn khi anh em trên bờ cũng chuẩn bị một cành mai vàng lấy từ núi Đá Bia. Mai vàng, đào thắm giữa đêm tối mênh mông, giữa những ngày đạn bom ác liệt khiến ai nấy đều hạnh phúc đến rơi lệ.

“Trong cuộc chiến sinh tử có những thứ vô cùng giản dị nhưng khiến chúng tôi nhớ suốt cuộc đời. Bến Vũng Rô hôm đó, có cô dân công Nguyễn Thị Tản đã mang đến cho các thủy thủ của Đoàn tàu không số một món quà đặc biệt, là nắm đất quê hương, cô Tản gói kỹ trong chiếc khăn tay để chúng tôi mang ra Bắc”. Run run mang theo nắm đất quê hương, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nói đó là khoảnh khắc ông nhớ mãi. Hòa bình lập lại, nắm đất Vũng Rô được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Hình tượng cô dân công Nguyễn Thị Tản trao nắm đất cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh gửi ra miền Bắc được tạc thành tượng đồng như một biểu tượng đẹp về nghĩa tình ruột thịt Bắc - Nam.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 4

 Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Di tích lịch sử Quốc gia Vũng Rô

Vào Đảng năm 1954, lúc mới 19-20 tuổi, đảng viên trẻ Hồ Đắc Thạnh khi đó nuôi biết bao hoài bão, ước vọng tuổi trẻ cống hiến cho đất nước. Khi “Đường Hồ Chí Minh trên biển” được mở, phát huy vai trò dẫn dắt của Phó bí thư chi bộ trên các chuyến tàu, ông Thạnh luôn tâm niệm phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn dắt con tàu của mình vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của tổ chức để bảo vệ bí mật con đường, bảo vệ biển trời Tổ quốc. “14 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, không có đồng chí nào thoái thác trách nhiệm, tất cả đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”, giọng anh hùng Hồ Đắc Thạnh trầm ấm nhớ lại thời tuổi trẻ. Ông nói, việc hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và nhiệm vụ của các đoàn tàu không số gắn chặt với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cho tới tận bây giờ. Kinh nghiệm và các hoạt động của các đoàn tàu không số trước đây là cơ sở để hình thành các Chiến lược bảo vệ, phát triển kinh tế biển đảo như thế nào. Các con tàu không số, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh đã tiếp tục vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng các đảo ở Trường Sa…

Tên tuổi của Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh gắn liền với Tàu 41 (hay phiên hiệu 641, 671 sau này). Tàu HQ- 671 là con tàu “Không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tàu 41 cũng hai lần được trao danh hiệu Anh hùng LLVTND, được tặng 4 huân chương quân công, 8 huân chương chiến công; 8 cán bộ chiến sĩ của tàu 671 được truy tặng, phong tặng Anh hùng LLVTND và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2017, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Chiến công của những thuyền trưởng, thủy thủ, chiến sĩ, dân công… và những biểu tượng như nắm đất Vũng Rô, bảo vật quốc gia tàu HQ 671… mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 5

Tàu HQ- 671- bảo vật quốc gia và là con tàu “Không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Huyền thoại bất diệt

“Hơn 60 năm trôi qua nhưng bài học kinh nghiệm về mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay…”, vị thuyền trưởng anh hùng Hồ Đắc Thạnh nói với chúng tôi.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển”, một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích. Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam, ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược, chính là con đường huyền thoại. Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời chuẩn bị sẵn phương án linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 6

“Đường Hồ Chí Minh trên biển”, một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong ảnh, Sa bàn Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bảo tàng Hải quân

Những ký ức đầu tiên khi mở con đường huyền thoại cho đến hôm nay và mãi về sau vẫn luôn sống động trong lịch sử dân tộc. Ngày 11.10.1962, tại bến K15 (Đồ Sơn - Hải Phòng), chiếc thuyền gỗ gắn máy Phương Đông do đồng chí Bông Văn Dĩa và thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy chở 30 tấn vũ khí đầu tiên bí mật ra khơi. Trước khi tàu rời bến, các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp động viên thủy thủ đoàn. Đồng chí Phạm Hùng nói: “Các đồng chí là những người được giao nhiệm vụ tiên phong, trực tiếp khai phá con đường biển này. Trung ương Đảng tin tưởng và chờ tin thắng lợi từ các đồng chí”. Sau 9 ngày hành trình trên biển, ngày 19.10.1962, tàu đã cập bến Vàm Lũng - Cà Mau thành công. Con đường huyền thoại trên biển mang tên Bác mở ra từ đó.

Những chiến công xuất sắc của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành kỳ tích lịch sử, một huyền thoại sống động của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đoàn 759 và Đoàn 371 khi đó đã tập trung những cán bộ, chiến sĩ được chọn lựa kỹ càng; vừa có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quân đội; vừa có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chỉ huy, điều khiển, làm chủ phương tiện đi biển. Đặc biệt, tất cả đều luôn mang trong mình tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Thực tế, tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy; Tàu 165 do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và CTV Nguyễn Ngọc Lương chỉ huy… đã mang tinh thần, hành động quyết tử cho Tổ quốc mà quân địch phải khiếp sợ.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 7

Thượng tá NGUYỄN THU PHƯƠNG, Bảo tàng Hải quân (trái) giới thiệu với PV Văn Hoá về những chiến tích của các đoàn tàu không số, Đường Hồ Chí Minh trên biển

Có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển này, hóa thân vào sóng nước để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Chúng tôi, những người lính hải quân luôn luôn nhìn vào những tấm gương ấy để sống và làm việc xứng đáng với những gì lớp lớp cha anh đi trước đã gian khổ, đổ xương máu, hy sinh. Và cũng chính họ là những tượng đài tinh thần vĩnh cửu cho các thế hệ tiếp nối noi theo.

(Thượng tá NGUYỄN THU PHƯƠNG, Bảo tàng Hải quân)

Từ Vũng Rô chúng tôi có mặt ở Hải Phòng, Bảo tàng Hải quân có rất nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Đường Hồ Chí Minh trên biển và những kỳ tích của các đoàn tàu không số. Thượng tá Nguyễn Thu Phương (Bảo tàng Hải quân) tự hào giới thiệu: “Cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi gian khổ, hy sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch. Hàng nghìn chuyến tàu của chúng ta lên đường, có chuyến cập bến thành công, có chuyến phải quay về Bắc, hoặc phải hủy tàu, quyết tử để bảo vệ bí mật. Thế nhưng hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vẫn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh”.

Ở Bảo tàng Hải quân, chúng tôi được thấy nhiều hình ảnh các thuyền trưởng, thủy thủ đoàn trước lúc rời bến. Gương mặt các anh bừng sáng niềm tin và ước mơ tuổi trẻ, thế nhưng, đó cũng là những lần truy điệu sống bởi nếu không may, các anh có thể không trở về. “Có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển này, hóa thân vào sóng nước để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Chúng tôi, những người lính hải quân luôn luôn nhìn vào những tấm gương ấy để sống và làm việc xứng đáng với những gì lớp lớp cha anh đi trước đã gian khổ, đổ xương máu, hy sinh. Và cũng chính họ là những tượng đài tinh thần vĩnh cửu cho các thế hệ tiếp nối noi theo”, tay chạm khẽ vào chiếc chiếu đã sờn trên con tàu bảo vật quốc gia HQ-671, thượng tá Phương nói.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương - Anh 8

Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, Bến K15- di tích lịch sử quốc gia tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Những cán bộ, chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong suốt 14 năm vận chuyển (1961- 1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 chuyến tàu, vận chuyển 97.596 tấn vũ khí, đạn dược; hàng chục ngàn lượt người, đi 3.758.000 hải lý trên đường Hồ Chí Minh xuyên suốt Biển Đông, trực tiếp chiến đấu 30 lần với tàu địch, 1.200 lần với máy bay địch, khắc phục 4.000 quả thủy lôi, bắn bị thương 10 tàu địch, bắn rơi 5 máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch, vượt qua 20 cơn bão; chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Huyền thoại “Đoàn tàu không số” đã để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực, sâu sắc để các thế hệ người Việt Nam tiếp tục gìn giữ, kế thừa và phát huy, đặc biệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/ TW về “phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Rời bến K15 khi bãi biển Đồ Sơn đang chuẩn bị đón đợt bão mới, chúng tôi kịp thắp nén nhang thơm, nghiêng mình tri ân, tưởng nhớ 119 liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại bến tàu lịch sử này. Các anh là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, tiếp bước, giữ vững chủ quyền Tổ quốc; khơi dậy khát vọng phát triển biển, đảo bền vững, hòa vào thế kỷ đại dương.

(Còn nữa)

Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

 


 

 

 

Ý kiến bạn đọc