Thanh Hóa:

Đặc sắc Lễ hội chùa Hàn Sơn - cửa Thần Phù 2024

NGUYỄN LINH

VHO - Nhằm phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các vị công thần hộ quốc an dân, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ngày 18.4 (tức ngày 10.3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Hàn Sơn, xã Nga Điền (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đã diễn ra lễ hội truyền thống chùa Hàn Sơn - cửa Thần Phù, thu hút hàng vạn du khách thập phương và nhân dân.

Đặc sắc Lễ hội chùa Hàn Sơn - cửa Thần Phù 2024 - ảnh 1
Nghi thức rước kiệu tại lễ hội chùa Hàn Sơn – cửa Thần Phù. Ảnh: Nga Sơn Biz

Tại lễ hội, sau phần lễ thỉnh Tổ, thỉnh Phật, lễ cầu an, là liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, và Lễ rước kiệu từ đền về chùa, hát quan họ; Lễ hội thả đèn hoa đăng trên sông Hoạt, cửa Thần Phù.

Hàn Sơn tự là ngôi chùa có lịch sử trên 200 năm tọa lạc trên vùng đất cửa Thần Phù thuộc thôn Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi chùa mang nét đặc trưng của chùa Bắc bộ, cảnh quan hữu tình, tạo nên vẻ đẹp hiếm có.

Theo các văn bia còn lưu lại tại chùa, công trình tâm linh, văn hóa, lịch sử này được xây dựng từ năm 1797. Vào năm Bính Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1876), có một người họ Trần, quê quán thuộc xã Quần Phương Trung, tỉnh Nam Định, từ nhỏ đã quy thiền. Ngài đã đi tham quan khắp nơi và thấy núi Hàn Sơn là nơi đá cao, sóng nước uốn quanh ôm lấy núi nên đắc ý. Vì thế ông đã chọn ngày đẹp để mở rộng Tịnh xá, chùa chiền, cho đắp tượng Phật để sánh cùng với Thánh miếu. 

Chùa Hàn Sơn không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không tôn thần, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thánh Mẫu và cả Thành Hoàng làng Chính Đại. Các dòng tín ngưỡng đan xen với nhau, bổ trợ cho nhau, trong đó Đức Phật được thờ chủ đạo. Và, trong khuôn viên chùa, các hạng mục công trình thờ tự được xây dựng, bài trí theo lối “Tiền Phật hậu Thánh”, trong đó, nhà thờ Phật được xây dựng quy mô lớn nhất, ở vị trí trung tâm của chùa.

Đặc sắc Lễ hội chùa Hàn Sơn - cửa Thần Phù 2024 - ảnh 2
Toàn cảnh Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Hàn Sơn sau khi được phục dựng lại

Chùa Hàn Sơn cũng chính là chứng tích của cách mạng ở vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) và Kim Sơn (Ninh Bình). Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nga Điền và các tư liệu của huyện Nga Sơn, thời kỳ 1936 – 1939, chùa Hàn Sơn làng Chính Đại là một trong những nơi mà cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động, đặc biệt là hang núi sau điện thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Các cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động tại đây, như: Tạ Quynh, Tôn Thất Toại, Nguyễn Hữu Kiều, Phạm Văn An...

Năm 1948, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Điền Hộ – Chính Đại, sư và các chú tiểu trong chùa sơ tán về chùa Hoàng Cương và tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này chùa Hàn Sơn không chỉ là nơi che giấu cán bộ cách mạng mà nhà chùa còn ủng hộ vật chất cho quỹ kháng chiến. 

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, nhất là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa Hàn Sơn bị tàn phá gần như tan hoang, những năm gần đây, chùa Hàn Sơn đã được trùng tu, tôn tạo lại trong khuôn viên diện tích hơn 3.000 m2, khá bài bản, phù hợp với cảnh đẹp nơi Thần Phù. Tháng 3.2011, chùa Hàn Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh... Hai di tích cửa Thần Phù và chùa Hàn Sơn đã và đang phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, thu hút hàng ngàn lượt khách về tham quan, vãn cảnh mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương.

Ý kiến bạn đọc