Công nghiệp văn hóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa
VHO - Sáng 5.8, tại TP Hạ Long, diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa".
Đây là sự kiện quốc tế quan trọng của Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức. Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh; đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cùng 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Kazakhstan, Rumani...; các chuyên gia, đại biểu từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kho tàng văn hóa, lịch sử giàu có, đặc sắc, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt ưu tiên phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Với những nỗ lực biến di sản thành tài sản góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, kinh tế liên tục tăng trưởng và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp, Quảng Ninh là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước với 7 năm liên tiếp đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
An sinh xã hội, giáo dục, y tế được đảm bảo. Nhiều tiêu chí cao hơn bình quân chung cả nước. Đến nay, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương.
Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 với quy mô quốc tế được tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đúng dịp kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của quốc tế về vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản Vịnh Hạ Long trong mạng lưới di sản toàn cầu. Tỉnh Quảng Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trong quá trình đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam là Di sản thế giới, xây dựng TP Hạ Long và TP Uông Bí tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành và đưa TP Hạ Long trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng một Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNSECO Việt Nam, Ủy viên mặc định Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội nghị lần này sẽ đánh dấu bước phát triển mới của phong trào UNESCO phi chính phủ trên toàn thế giới, tạo ra những điều kiện mới để tăng cường sự hợp tác giao lưu giữa các hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO các nước thành viên, cùng nhau hướng đến những chương trình, hành động hơn nữa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin truyền thông theo tư tưởng nhân văn trong sáng của UNESCO vì mục tiêu chung của nhân loại.
Tham luận tại Hội nghị, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong chiến lược của Chính phủ, văn hóa được xác định là một mũi nhọn kinh tế. Đây là một thực thể mới, đòi hỏi mỗi người dân và nhà quản lý đều phải thay đổi tư duy.
Ông Lê Quốc Minh chia sẻ những kinh nghiệm mà chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã không “ngủ quên” trên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trên danh hiệu to lớn mà bạn bè thế giới trao tặng để có những chiến dịch phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, những nỗ lực, chủ động tìm kiếm và quảng bá giá trị ít được biết tới. Ngoài vịnh Bái Tử Long, Yên Tử, Cô Tô, ngày nay du khách còn biết tới Quan Lạn, Bình Liêu...
Tại Hội nghị Ban Chấp hành, các quốc gia thành viên của WFUCA báo cáo, tổng kết, đánh giá các hoạt động thực thi trong giai đoạn 2023-2024; thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới; bầu các vị trí lãnh đạo của nhiệm kỳ mới và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 44.
Điểm nhấn đáng chú ý của Hội nghị năm nay là việc các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.
Kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên đã đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối văn hóa vì hoà bình và phát triển bền vững".
Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, bảo đảm rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai: bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hóa, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Năm 2024 cũng ghi dấu một thập kỷ kể từ khi TW Ðảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị TW 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt, vào tháng 11.2023 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.