Cần thiết có một nhà hát quốc gia xứng tầm, hiện đại

VHO- Câu hỏi “Việc xây dựng một Nhà hát các dân tộc Việt Nam có cần thiết không?” đang được dư luận đặt ra trong nhiều ngày qua. Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Nhà hát các dân tộc Việt Nam với quy mô xứng tầm, hiện đại không chỉ là nhu cầu của thời đại mà còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm của ngành văn hóa trong sự nghiệp chấn hưng, phát triển nền văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Cần thiết có một nhà hát quốc gia xứng tầm, hiện đại - Anh 1

Nhà hát Đó ở khu vực Bãi Tiên (TP Nha Trang) đang trở thành điểm đến hấp dẫn khi đến thành phố Biển

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ VHTTDL, cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2023 trực tuyến với địa phương, trong đó có nội dung xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.

Nhà hát quy mô quốc gia xứng tầm, hiện đại

Theo đó, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các cơ quan chức năng của Bộ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất những nội dung liên quan nhằm triển khai chủ trương này. Đúng với tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, việc xây dựng một Nhà hát mang tầm quốc gia không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm lớn lao đặt ra đối với đội ngũ làm văn hóa trong sự nghiệp chấn hưng, phát triển nền văn hóa nghệ thuật quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Trên thế giới, có nhiều công trình Nhà hát mang tính biểu tượng của nền văn hóa quốc gia, trở thành địa điểm thu hút công chúng và du khách như Nhà hát Sydney Opera House (Australia), Nhà hát Teatro alla Scala (Italia), Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhà hát Esplanade (Singapore), Nhà hát Opéra Garnier (Pháp), Nhà hát Amazon (Brazil), Nhà hát quốc gia Vienna (Áo)… Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương đối với việc hình thành và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, các nhà hát hướng đến phục vụ rộng rãi công chúng nói riêng ngày càng rõ nét, thể hiện qua những chủ trương, việc làm cụ thể. Có thể kể đến một số công trình với quy mô lớn, tầm vóc hiện đại như Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với tổng vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng đã chính thức được khai trương và trở thành một biểu tượng văn hóa tại Thủ đô gió ngàn. Nhà hát Đó (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vừa khánh thành vào đầu tháng 4 vừa qua với sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng là minh chứng cụ thể của việc vận dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa theo tinh thần Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà hát Đó chính thức khẳng định vị trí của một công trình xây dựng biểu tượng cho sự kết hợp giữa nét kiến trúc độc đáo mang bản sắc Việt Nam và hệ thống trang thiết bị biểu diễn hiện đại, tạo điểm đến cuốn hút, điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao… Trở lại câu chuyện về xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng VHTTDL khẳng định, Nhà hát sẽ là một công trình mang tầm vóc thời đại, thể hiện tầm nhìn xa và nhất thiết, đây phải là công trình mang ý nghĩa biểu tượng của nền văn hóa quốc gia trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

 Trong nhiều năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương đối với việc hình thành và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, các nhà hát hướng đến phục vụ rộng rãi công chúng nói riêng ngày càng rõ nét, thể hiện qua những chủ trương, việc làm cụ thể. Có thể kể đến một số công trình với quy mô lớn, tầm vóc hiện đại như Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với tổng vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng đã chính thức được khai trương và trở thành một biểu tượng văn hóa tại Thủ đô gió ngàn.

Nhà hát Đó (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa khánh thành vào đầu tháng 4.2023 là minh chứng cụ thể của việc vận dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa theo tinh thần Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sau khi đi vào hoạt động, Nhà hát Đó chính thức khẳng định vị trí của một công trình xây dựng biểu tượng cho sự kết hợp giữa nét kiến trúc độc đáo mang bản sắc Việt Nam và hệ thống trang thiết bị biểu diễn hiện đại, tạo điểm đến cuốn hút, điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao…

Chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Người làm văn hóa thực sự vui mừng khi Chính phủ đã đưa vào Nghị quyết giao cho Bộ VHTTDL triển khai nhiệm vụ xây một Nhà hát tầm cỡ quốc gia. Đó là điều vô cùng cần thiết”.

Ông Chức cho rằng, Nhà hát Lớn đã xây dựng cách đây hơn một thế kỷ và cho đến bây giờ công trình vẫn tồn tại như một biểu tượng của niềm tự hào Hà Nội; là sự hiện diện kiêu hãnh của kiến trúc Pháp tại Đông Dương. Trong thời gian chiến tranh, khi đời sống kinh tế quá khó khăn, với tình hữu nghị Việt - Xô, chúng ta đã có được công trình xây dựng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Đó là những công trình văn hóa đáng tự hào. “Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng một Nhà hát tầm cỡ quốc gia, một điểm đến, một biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam thế kỷ XXI. Chúng ta có thể tự tin để xây dựng một Nhà hát tầm cỡ, hoành tráng với mục tiêu là phục vụ công chúng. Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 với các nguyên tắc “Khoa học hóa, Dân tộc hóa và Đại chúng hóa”, và với trách nhiệm của thế hệ đảm đương trọng trách xây dựng và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam hôm nay, chúng ta phải hiểu đầy đủ, thấu đáo mục tiêu phục vụ cho người dân là điều quan trọng nhất…”, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định.

Cần thiết có một nhà hát quốc gia xứng tầm, hiện đại - Anh 2
 

 Nhà hát Opera Sydney hay còn gọi là Nhà hát con sò đã trở thành biểu tượng và hình ảnh đại diện của xứ sở Kangaroo Ảnh: INTERNET

Để nền văn hóa Việt Nam hôm nay thực sự là nền văn hóa của nhân dân, thực sự phát huy những giá trị trường tồn của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, theo ông Chức, đặt vấn đề xây dựng một Nhà hát quốc gia là điều cần thiết. Đây là nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hành động, các địa phương cũng triển khai một loạt các vấn đề về văn hóa. Việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam là một minh chứng sinh động khẳng định tầm nhìn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nền văn hóa dân tộc.

Khẳng định việc có chủ trương xây dựng một nhà hát mang tầm quốc gia là tín hiệu đáng mừng đối với không chỉ giới văn nghệ sĩ mà còn với người dân, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, muốn bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật thì không thể để những loại hình nghệ thuật độc đáo ấy co cụm trong những không gian nhỏ hẹp. Mặt khác, khi nghệ thuật được trình diễn ở nhà hát quy mô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu và kế thừa. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng khẳng định, việc có thêm một nhà hát như vậy cũng là “động lực” để văn nghệ sĩ nỗ lực sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng, tìm kiếm cơ hội đem tác phẩm của mình lên sân khấu lớn: “Không ai muốn sáng tác xong để... “cất kho”. Ai cũng muốn tác phẩm của mình được quảng bá ở một sân khấu mang tầm cỡ quốc gia. Chủ trương về một nhà hát mang tầm quốc gia đang cho thấy nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc tạo thêm cơ hội để giới văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm của mình. Nhà hát mang tầm cỡ quốc gia có hình dạng ra sao là điều công chúng đang rất mong chờ.”.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cảm thán: “Cần lắm một nhà hát tầm cỡ quốc gia!”. Lãnh đạo của các nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL đều bày tỏ mong muốn với chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ cùng chung tay với Bộ VHTTDL để đất nước có được một nhà hát hiện đại, chuyên nghiệp, tầm cỡ. Điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là công trình đó sẽ trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa và chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cũng cho rằng, việc xây dựng một Nhà hát mang tầm vóc quốc gia là điều cần thiết. Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến Nhà hát Lớn, một công trình lớn mang ý nghĩa cả về mặt kiến trúc và lịch sử. Cho đến ngày nay, công trình vẫn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, là “thánh đường” nghệ thuật. Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, Nhà hát Lớn hiện nay cũng chỉ chứa được hơn 500 chỗ ngồi, quá ít so với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng; điều kiện sân khấu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn.

Về việc cần thiết phải xây dựng một Nhà hát mang tầm quốc gia, ông Nguyễn Hải Linh phân tích, thực tế việc biểu diễn hiện nay luôn phải có sự hỗ trợ rất lớn từ công nghệ. Mặt khác, hiện đã có khá nhiều sân khấu nhỏ nên cần thiết phải có một Nhà hát với sân khấu lớn được xây dựng hoành tráng. Công trình này phải là một Nhà hát đa năng có thể phù hợp với nhiều loại hình âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật khác nhau. 

  Chưa có phương án cụ thể

Liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam, những ngày qua dư luận báo chí, truyền thông đã có nhiều ý kiến băn khoăn về vị trí dự kiến xây dựng Nhà hát. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, vị trí phía sau Nhà hát Lớn là một trong nhiều phương án dự kiến về địa điểm được đưa ra để nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm; hiện tại chưa có phương án cụ thể về địa điểm đầu tư Nhà hát các dân tộc Việt Nam.

Thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, Bộ VHTTDL đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ xem xét, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực để tiến hành khảo sát, đề xuất các phương án, phục vụ lập Báo cáo tiền khả thi dự án.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hoá, kiến trúc... để hoàn thiện Báo cáo tiền khả thi của dự án; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng một thiết chế văn hoá xứng tầm, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, là điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam.

 Trên thế giới, có nhiều công trình Nhà hát mang tính biểu tượng của nền văn hóa quốc gia, trở thành địa điểm thu hút công chúng và du khách như Nhà hát Sydney Opera House (Australia), Nhà hát Teatro alla Scala (Italia), Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhà hát Esplanade (Singapore), Nhà hát Opéra Garnier (Pháp), Nhà hát Amazon (Brazil), Nhà hát quốc gia Vienna (Áo)…

 

 Nhóm PHÓNG VIÊN

Ý kiến bạn đọc