Đầu tư và tài trợ cho văn hóa:
Cần một chính sách mạnh mẽ
VHO -“Cần thiết”, “khó khăn” và “giải pháp” là những từ khóa được nhiều lần đặt ra tại hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” do Viện VHNT quốc gia Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vừa phối hợp tổ chức.
Với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp văn hóa, cộng đồng sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa…, đã có nhiều kiến nghị được đề xuất nhằm gỡ khó trong câu chuyện đầu tư và tài trợ cho văn hóa.
Huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa
Theo TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn là một động lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là trách nhiệm của xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. TS Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững, phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các quốc gia này có một hệ sinh thái văn hóa phong phú gắn với hệ thống tài trợ văn hóa rất đa dạng, bao gồm cả quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, từ các tổ chức phi Chính phủ.
Nhiều ý kiến nhìn nhận, đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo ra những giá trị tinh thần lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng hình ảnh quốc gia dân tộc. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Việt Nam đang nỗ lực phát triển nền văn hóa đa dạng, việc thu hút đầu tư và tài trợ cho văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn tạo ra động lực cho sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, góp phần nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng. “Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, khai thác nguồn lực không hiệu quả…”, bà Phương nhìn nhận.
Nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Công ty TNHH Lên Ngàn cho rằng, việc xây dựng cơ chế đầu tư và bảo trợ cho văn hóa, phù hợp hơn với giai đoạn mới, bảo đảm sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. “Khi sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố tiên quyết chi phối quyền lực quốc gia, “quyền lực mềm” gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia. Thương hiệu văn hóa quốc gia chính là hệ quả của những gì quốc gia đó đã, đang và sẽ làm với các giá trị văn hóa bản địa. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cách trả lời câu hỏi này từ quốc gia láng giềng”, theo ông Hoàng Anh.
Tuy nhiên, cũng theo tác giả này, dù thế giới có nhiều kinh nghiệm, nhiều “tấm gương” thần kỳ nhưng Việt Nam cũng không thể máy móc làm theo. Đơn giản bởi mỗi quốc gia, con người đều có phẩm chất và đặc thù văn hóa khác nhau.
“Gỡ khó” đầu tư cho văn hóa
Nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh cũng chia sẻ, cách thức hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia chính là việc kết nối đầu tư công, tư với di sản văn hóa địa phương, tích hợp thương hiệu doanh nghiệp địa phương vào cùng một chuỗi giá trị với thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất. Và chính thương hiệu quốc gia sẽ tiếp thêm sức mạnh cho từng thương hiệu doanh nghiệp trong quốc gia đó. Nhưng quan trọng hơn, chính thương hiệu doanh nghiệp lại là những viên gạch để góp phần xây nên thương hiệu quốc gia.
Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, trên thế giới, nhà nước luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa. Sự can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể của chính sách văn hóa. Để có thể tối đa hóa hiệu quả nguồn lực của nhà nước cho văn hóa, các nhà hoạch định chính sách trước tiên cần xác định được các mục tiêu ưu tiên của chính sách văn hóa căn cứ nhu cầu và đặc thù của quốc gia hoặc địa phương, từ đó, lựa chọn và xây dụng các công cụ đầu tư, tài trợ của nhà nước cho văn hóa phù hợp với các mục tiêu ưu tiên. Ông Minh cũng cho rằng, tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của nhà nước chưa phù hợp và toàn diện. Chính sách văn hóa toàn diện cần kết hợp hài hòa các mục tiêu văn hóa xã hội, chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.
Theo Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Cao Ngọc Ánh, văn hóa đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tổ chức tài trợ, không chỉ vì giá trị truyền thống mà còn vì khả năng tạo ra cơ hội kinh tế bền vững và nâng cao giá trị xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật cần được xác định là một sản phẩm hoàn chỉnh của một ngành công nghiệp. “Lĩnh vực văn hóa là một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để phát triển bền vững, cần có sự đầu tư hợp lý và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Việc xác định đúng các nhu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển trong tương lai một cách thực chất sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển xã hội và kinh tế”, bà Ánh nhấn mạnh. Ở góc nhìn của “người trong cuộc”, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung cũng cho rằng, để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc xác định mục tiêu đầu tư và các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng.
Trong nhiều năm qua, nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề dễ nhận thấy là việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt, là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan. Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư… “Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng mặc dù nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó…”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.