Xung quanh những phát hiện mới tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (Hà Nội):

Cần giải pháp bảo tồn phù hợp

LÂM SƠN; ảnh: VĂN TRƯỜNG

VHO - “Qua những phát hiện mới với những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, quý hiếm, có niên đại hàng nghìn năm, cần có sự nghiên cứu, đề xuất những giải pháp bảo tồn phù hợp, khả thi đối với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối”.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã nhấn mạnh như vậy tại buổi kiểm tra hiện trường khai quật và làm việc với đơn vị chủ trì khai quật khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) vào chiều qua 12.11. Cùng dự buổi làm việc còn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử, văn hóa; Cục Di sản văn hóa và đơn vị chức năng của Hà Nội.

Cần giải pháp bảo tồn phù hợp - ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và nhiều nhà nghiên cứu kiểm tra nơi bảo quản hiện vật

Chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam

Báo cáo nhanh về kết quả khai quật di chỉ Vườn Chuối (phía Tây) trên diện tích 6.000m2, TS Nguyễn Ngọc Quý, người chủ trì khai quật cho biết: Cuộc khai quật Vườn Chuối lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Phát hiện này giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại.

Qua những phát hiện mới với những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, quý hiếm, có niên đại hàng nghìn năm, cần có sự nghiên cứu, đề xuất những giải pháp bảo tồn phù hợp, khả thi đối với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Ngay sau buổi làm việc này, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, trong đó đề nghị Hà Nội sớm tổ chức cuộc họp có sự tham gia của cơ quan Bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để thống nhất trong nhận định, đánh giá về kết quả khai quật, qua đó đề xuất những biện pháp bảo tồn phù hợp.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô cũng phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao. Một phát hiện quan trọng khác là về khu mộ táng có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Cũng trong cuộc khai quật này, những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối. Bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài kiểu như những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây…

“Có thể nói Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Những kết quả nghiên cứu từ đây đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người từ rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết”, TS Nguyễn Ngọc Quý nhận định.

Cần giải pháp bảo tồn phù hợp - ảnh 2
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham quan hiện trường khai quật

Với hơn 200 ngôi mộ cổ được phát hiện có niên đại từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm cho đến Đông Sơn, hiện đơn vị khai quật đã được quét keo bảo vệ làm cứng xương, chống nấm mốc và che phủ vải bạt bảo quản chống mưa nắng và tác động của tự nhiên. “Tuy nhiên, do di cốt nằm lâu trong lòng đất, đồng thời công tác nghiên cứu hiện trường khiến di cốt bị phơi sáng một thời gian dài trong điều kiện thời tiết mưa ẩm nên dẫn đến di tích phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc xử lý nấm mốc mặc dù được thực hiện thường xuyên nhưng chỉ hạn chế được một phần tác động”, TS Nguyễn Ngọc Quý, người chủ trì khai quật cho biết về cách bảo quản nhưng vẫn không dấu được vẻ lo lắng khi nhiều di cốt đã bắt đầu mủn và vỡ ra những mảnh nhỏ.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tại cuộc hội thảo đầu bờ công bố sơ bộ kết quả khai quật Vườn Chuối, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa một lần nữa khẳng định, những kết quả thu được từ đợt khai quật lần này cho thấy “đây là di sản siêu quý hiếm” cần phải được bảo tồn. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp khai quật tại di chỉ Vườn Chuối cho rằng, “Khu khai quật này không khác gì là một Hoàng thành Thăng Long thứ hai. Mặc dù giá trị là quý báu như vậy nhưng thật không thể lý giải được vì sao đến thời điểm này, cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương vẫn chưa chịu nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình thành phố Hà Nội xem xét, xếp hạng. Từ khi khai quật đến nay chưa thấy cơ quan chức năng, nhất là lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội một lần đến hiện trường để kiểm tra, có ý kiến chỉ đạo”.

Cần giải pháp bảo tồn phù hợp - ảnh 3
Chiều qua 12.11, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham quan khu khai quật di chỉ Vườn Chuối để có cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn Ảnh: LÂM SƠN

Tìm kiếm giải pháp bảo tồn phù hợp

Báo cáo thêm tại buổi làm việc, TS Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, nhận thấy những giá trị đang chứa đựng trong lòng đất, Bộ VHTTDL đã cấp phép khai quật 6.000m2 tại phía Tây di chỉ Vườn Chuối, còn 6.000m2 ở phía Đông sẽ được bảo tồn nguyên vẹn, tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích, trước mắt là cấp thành phố.

Nhưng với những kết quả khai quật mới thu được, xuất hiện nhiều giá trị mới và quý hiếm, đòi hỏi đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối. Nếu làm cầu vượt qua di chỉ khảo cổ nhằm bảo tồn nguyên trạng các tầng văn hóa, di vật, hiện vật sẽ rất khó khả thi vì ngay địa điểm đầu khu khai quật, theo quy hoạch là một nút giao thông. Bởi vậy, có thể làm dầm bê tông cốt thép vừa đảm bảo giao thông đi lại, vừa giữ được hiện trạng của khu khai quật. “Đó là những ý kiến bước đầu, rất cần sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có sự ứng xử phù hợp với di tích”, TS Trần Đình Thành nói.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, cố vấn đơn vị khai quật cho hay, đến thời điểm này khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã trải qua 13 lần thám sát, khai quật, qua đó đã nhận diện được tương đối đầy đủ về một ngôi làng của người Việt cổ, kéo dài qua nhiều giai đoạn văn hóa, lịch sử. Giá trị quý hiếm của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khẳng định.

Cần giải pháp bảo tồn phù hợp - ảnh 4
Trưng bày nhóm hiện vật được phát hiện tại di chỉ

“Vấn đề ở đây là sự quan tâm của các cơ quan chức năng, và UBND thành phố Hà Nội như thế nào đối với di chỉ khảo cổ này ở thời điểm hiện tại và tương lai. Xin thưa thật, họ có quan tâm nhưng chưa thật đầy đủ. Chúng ta đã có chủ trương bảo tồn nguyên vẹn 6.000m2 ở phía Đông của di chỉ Vườn Chuối để tiến hành xếp hạng di tích, nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ Vườn Chuối”, GS Dung cho biết. Về giải pháp sắp tới, theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cần tiếp tục khai quật khảo cổ theo đúng quy trình nhằm tìm kiếm những di tích, di vật còn ở sâu trong lòng đất. Để bảo tồn nguyên trạng diện tích đang khai quật chỉ còn cách là nắn đường. Chỉ có nắn đường thì mới bảo vệ được các tầng văn hóa, các di tích, di vật vừa được phát lộ. Bên cạnh đó cũng cần áp dụng những công nghệ mới trên thế giới trong biện pháp bảo tồn.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đơn vị khai quật, từ đó đã phát hiện nhiều di tích, di vật, hiện vật rất quan trọng, đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khẳng định. Hiện khu khai quật đã xuất lộ nhiều di tích, di vật rất có giá trị, trong đó đáng chú ý là hơn 200 ngôi mộ cổ. Vì thế chúng ta cần có cách ứng xử với di sản văn hóa trong bối cảnh mới. Di dời toàn bộ di tích, di vật hay bảo tồn nguyên trạng tại chỗ cần được nghiên cứu thấu đáo, có sự tham gia của các bên liên quan, nhất là thành phố Hà Nội.

“Qua những phát hiện mới với những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, quý hiếm, có niên đại hàng nghìn năm, cần có sự nghiên cứu, đề xuất những giải pháp bảo tồn phù hợp, khả thi đối với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Ngay sau buổi làm việc này, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, trong đó đề nghị Hà Nội sớm tổ chức cuộc họp có sự tham gia của cơ quan Bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để thống nhất trong nhận định, đánh giá về kết quả khai quật, qua đó đề xuất những biện pháp bảo tồn phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.