Cần đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất bản

MINH HÀ; ảnh: H.HOÀNG

VHO - Ngày 28.8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

Cần đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất bản  - ảnh 1
Cần đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất bản

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra đối với ngành Xuất bản trong thời kỳ mới được nêu rõ trong Chỉ thị, đó là việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp then chốt. 

Thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, kết quả đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam thời gian tới.

Đặc biệt, với Khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể coi là đơn vị duy nhất của cả nước đào tạo cán bộ biên tập xuất bản ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngành Xuất bản.

Nhìn chung, quy mô và chất lượng đào tạo ngành xuất bản của Học viện ngày càng được nâng lên, chú trọng đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013; thường xuyên rà soát, cải tiến, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng hiện đại, khoa học, bám sát những thay đổi, yêu cầu của thực tiễn ngành nghề và những bước phát triển của ngành xuất bản trong nước và trên thế giới.

Cần đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất bản  - ảnh 2
PGS. TS Vũ Trọng Lâm phát biểu đề dẫn Hội thảo

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, Học viện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chung trong hoạt động đào tạo xuất bản hiện nay, như chất lượng đầu ra của công tác đào tạo còn chưa đồng đều; áp lực từ việc thiếu nguồn lực đào tạo cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xuất bản còn chậm, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, …

Phát biểu dề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho biết, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý các Ban, Bộ, ngành, nhà xuất bản ở Trung ương và địa phương trên cả nước trao đổi, nghiên cứu, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay; làm rõ những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan xuất bản, với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng.

Tại Hội thảo, các tham luận đã đề cập đến ba vấn đề chủ yếu, đó là: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra; đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. 

Sau khi nghe các tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.