Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội có 5 điểm sáng
VHO- Chiều 27.12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác văn hoá và thể thao (VHTT) Hà Nội năm 2023. Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dự và phát biểu tại Hội nghị. Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu là trụ sở UBND TP.Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các phường, thị trấn. 2.215 đại biểu tham gia Hội nghị tại các điểm cầu.
Nhiều kết quả nổi bật
Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển của UBND thành phố và chủ đề công tác Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ của Bộ VHTTDL, ngành VHTT Hà Nội đã chủ động trong công tác tham mưu và triển khai toàn diện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực VHTT, Gia đình. Trong đó điểm nhấn là việc Hà Nội, với vai trò là thành phố đăng cai chính đã cùng 10 địa phương trên cả nước tổ chức thành công SEA Games 31. Đoàn thể thao Hà Nội cũng góp tới 62 HCV, 35 HCB, 54 HCĐ, chiếm 30,24% tổng số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Hà Nội dẫn đầu toàn đoàn với 475 huy chương các loại trong đó có 175 HCV, 143 HCB, 157 HCĐ.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Trong năm 2022, Hà Nội cũng tổ chức chuỗi nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo tham gia, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, tiếp tục phát huy, nhân rộng các giá trị văn hóa, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương “Người tốt - Việc tốt” trên địa bàn thành phố. Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, các hoạt động văn hóa cơ sở, công tác gia đình, thể dục thể thao được Sở VHTT quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, hướng về cơ sở.
Bộ trưởng gợi mở nhiều giải pháp giúp ngành VHTT Thủ đô phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng cờ thi đua cho một số đơn vị của thành phố Hà Nội
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao tặng bằng khen cho các đơn vị
Phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trọng tâm là xây dựng các mô hình văn hóa, 2 Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố bước đầu đã có kết quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Vai trò tự quản của thôn, làng, tổ dân phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng tổ dân phố văn hóa, thôn văn hóa được phát huy. Đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được phong phú, nâng cao; công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả…
Đề ra 9 giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2023
Trình bày các nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTT Hà Nội trong năm 2023, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, ngành VHTT Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số để lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ hướng tới mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hoá bền vững; đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển CNVH, kinh tế thể thao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thủ đô nhanh, bền vững.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị
Mục tiêu chung của ngành VHTT thủ đô trong năm 2023 là tập trung xây dựng văn hoá trên cơ sở phát huy, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến; tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến – Văn minh - Hiện đại.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; gìn giữ, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị quốc gia, dân tộc; yêu nước, đoàn kết, tự cường, trách nhiệm kỷ cương sáng tạo. Xây dựng, phát triển toàn diện và đồng bộ trên các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả sáng tạo, các giá trị văn hoá mới; tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2022 và giải pháp trọng tâm năm 2023
Trong thể thao, mục tiêu quan trọng được Hà Nội hướng đến là nâng cao thể lực, tầm vóc của các tầng lớp nhân dân trong tổ chức các phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại; tập trung phát triển các môn thể thao thành tích cao trọng tâm, thế mạnh của Thủ đô; huy động tối đa mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của toàn ngành để xây dựng sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố, các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch của Thành phố, Bộ VHTTDL trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và gia đình. Ngành VHTT thủ đô cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 30 chỉ tiêu. Ngành VHTT thủ đô cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 30 chỉ tiêu trong đó tỉ lệ Gia đình văn hoá đạt 88%, tỷ lệ Tổ dân phố văn hoá là 73,5%, tỷ lệ thôn/làng văn hoá đạt 64%... Sở VHTT Hà Nội cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể và 9 giải pháp để thực hiện.
5 điểm sáng của ngành VHTT Hà Nội
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông đã nghiên cứu kỹ báo cáo dài gần 60 trang của ngành VHTT Hà Nội cũng như lắng nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị. Có thể thấy trong năm 2022, toàn ngành VHTT thủ đô đã nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo Bộ trưởng, có 5 điểm sáng mà ngành VHTT Hà Nội đạt được để hoà nhịp cùng sự phát triển chung của ngành VHTTDL cả nước. Thứ nhất là cùng với toàn ngành, ngành VHTT Hà Nội đã chuyển đổi từ tư duy làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. Trong đó đáng chú ý là việc ban hành 2 Nghị quyết lớn về văn hoá, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch chi tiết, cụ thể. Điều đó cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, cụ thể hoá được các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về văn hoá, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021.
Hội nghị diễn ra kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến
Thứ hai, theo đánh giá của Bộ trưởng, các cấp uỷ Đảng của thủ đô nói riêng và hệ thống chính trị trên cả nước nói chung càng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng về văn hoá. Trong đó, Đảng xác định văn hoá là một lĩnh vực rộng, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành trực tiếp của Nhà nước. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Từ đó, Sở đã tham mưu đúng và trúng cho các cấp uỷ Đảng để tập trung vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, chú ý xây dựng môi trường văn hoá ở khu dân cư, từng khu phố, thôn, làng… Trên cơ sở đó sẽ từng bước xây dựng các nội hàm, thành tố để xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, lan toả các giá trị tốt đẹp về văn hoá, con người Hà Nội. Bộ trưởng cũng lưu ý, Hà Nội cần chú ý đến việc tạo không gian mở sáng tạo cho các nghệ sĩ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Thứ ba, Bộ trưởng đánh giá cao việc Hà Nội đã đi trước, mở đường cho việc xây dựng ngành CNVH. Bộ trưởng đánh giá cách làm của Hà Nội bài bản, đã chọn việc, chọn điểm để làm. Bộ trưởng mong muốn Hà Nội sẽ khai thác được các yếu tố văn hoá, nghệ thuật trong phát triển du lịch, tạo được sản phẩm du lịch đặc sắc của thủ đô. Thứ tư, Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển của thể thao thủ đô cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao đỉnh cao. Bộ trưởng gợi mở, để phát triển thể thao quần chúng, thể thao thủ đô cần thực hiện chuyển đổi số, số hoá đưa các bài tập đa dạng nâng cao sức khoẻ, thể lực cho nhân dân thủ đô lên mạng để người dân có thể dễ dàng truy cập, tập theo. Thứ 5, Bộ trưởng đánh giá cao Sở VHTT Hà Nội đã tham mưu cho các cấp uỷ để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể thao. Theo đánh giá của Bộ trưởng, Hà Nội cũng là địa phương có sự đầu tư lớn về kinh phí cho văn hoá như việc đầu tư 14 nghìn tỉ đồng tu bổ 579 di tích.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trích câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Hà Nội sẽ xây dựng được những giá trị con người Hà Nội văn minh, thanh lịch. “Toàn Đảng, toàn quân đang tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì thế, Sở cần khẩn trương nghiên cứu những nội dung của Hội thảo khoa học Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" để xây dựng những phẩm chất tiêu biểu của con người Hà Nội. Cùng với đó là xây dựng hệ giá trị gia đình để góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia”, Bộ trưởng gợi mở các nhóm giải pháp.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao nỗ lực của Sở VHTT Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ông Trần Sỹ Thanh cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ VHTTDL vì có sự hỗ trợ tích cực cho thành phố trong phát triển văn hoá, thể thao, đạt chỉ tiêu phát triển đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị
Không nói nhiều về những kết quả đạt được, ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ thành phố sẽ còn rất nhiều việc phải làm để văn hoá, thể thao và cả du lịch Thủ đô lấy lại vị thế phát triển như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hoá, thể thao Thủ đô phải làm là tiếp tục chuyển biến nhận thức từ làm văn hoá sang quản lý văn hoá; tiếp tục nghiên cứu, ban hành nghị quyết, chương trình hành động cụ thể để ngành văn hoá, thể thao Hà Nội vận hành bài bản, khoa học; khơi thông được nguồn lực phát triển.
Ngoài ra, một trong những vấn đề được lãnh đạo thành phố đặc biệt nhấn mạnh là dồn lực để tôn tạo, tu bổ di tích. Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định phải coi di sản như báu vật cần được giữ gìn. Các giá trị từ di sản văn hoá phải không ngừng được phát huy, lan toả đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế để Hà Nội thật sự xứng đáng là trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế của đất nước. Song song với đó, các thiết chế văn hoá, thể thao cũng phải được tập trung đầu tư, cải tạo.
Liên quan đến xây dựng văn hoá ứng xử, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở VHTT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội; cũng tăng cường tuyên truyền ứng xử trên không gian mạng. Theo ông Trần Sỹ Thanh, mạng xã hội là ảo nhưng tác động của nó đến đời sống là thật. Do đó, phải có định hướng rõ ràng cho người dân để tích cực lan toả những giá trị tốt đẹp trên không gian mạng, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, góp phần phát triển con người Thủ đô văn minh, thanh lịch.
THU SÂM – ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN