Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc:

Biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam – Bắc

NGUYÊN LINH

VHO - Cuối tháng 8.2022, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Đây là công trình mang giá trị lịch sử to lớn, tái hiện lại ký ức hào hùng của cán bộ, quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Qua đó, nhằm tri ân công lao những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, học sinh trên chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Đồng thời, khẳng định niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa - nơi được Đảng, Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là địa điểm đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam. Đây còn là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

 Biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam – Bắc - ảnh 1
Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam – Bắc

Vinh dự và tự hào

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, đất nước ta bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, chia làm 2 miền Nam – Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã đưa ra quyết định táo bạo là mở một cuộc chuyển quân lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam ra miền Bắc để học tập, nhằm đào tạo đội ngũ kết thừa, xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng với một số địa điểm khác, Thanh Hoá vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao phó, đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Ngày 25.9.1954, tại bến Sầm Sơn (nay là cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn) đồng bào Thanh Hóa rực rỡ cờ hoa chào đón những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết.

Đưa một số lượng rất lớn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết là các chuyến tàu biển rất lớn của Liên Xô và Ba Lan. Các tàu này không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài cây số.

Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền.

Trong 9 tháng (từ tháng 9.1954 đến tháng 5.1955), toàn tỉnh Thanh Hoá đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra Bắc như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.

Sau công tác đón tiếp an toàn, chu đáo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc được phân công ra khắp các tỉnh, thành của miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác.

Đối với đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ bố trí, sắp xếp công ăn việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa lúc này.

Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam – Bắc

Khu lưu  đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có tổng mức đầu tư gần 255 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 76,5 tỉ đồng, cùng vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178,5 tỉ đồng.

Quy mô đầu tư dự án gồm hai khu: Khu A với diện tích 13.580m2, gồm các hạng mục: tượng đài con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ.

Khu B có diện tích 1.985m2, gồm ba lán trại, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ, mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam.

Đồng thời còn có Con đường ký ức với chiều dài 1,1km, tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665m, công viên chuyên đề diện tích 23.865m2.

Sau hai năm thi công, đến nay Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã hoàn thành. Đây còn là công trình quan trọng hướng tới sự kiện 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 và là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Việc đầu tư xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc không chỉ tái hiện lại lịch sử hào hùng trong công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết trong Nhân dân mà còn là niềm tự hào to lớn của người dân tỉnh Thanh Hoá nói chung, người dân cửa biển Sầm Sơn nói riêng.

Nhiều người dân sinh sống ở gần khu vực xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cho biết: “Chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng tượng đài, tôi vô cùng xúc động và tự hào vì địa phương mình vinh dự có công trình lịch sử mang nhiều ý nghĩa và quy mô đến vậy”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) Nguyễn Sỹ Thái chia sẻ: “Đối với người dân cảng Lạch Hới nói chung, lực lượng cựu chiến binh nói riêng, khu lưu niệm là một trong những công trình mang nhiều ý nghĩa và có giá trị lịch sử to lớn. Công trình nhằm tri ân, tôn vinh và tưởng nhớ những công lao to lớn của các bậc tiền bối trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, nhất là những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, học sinh đã từng tham gia trên chuyến tàu này năm xưa...

...Việc xây dựng khu lưu niệm này còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ sau này. Đây còn là nơi để nhắc nhớ con cháu phải luôn cố gắng, phấn đấu gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cha ông cho sự nghiệp cách mạng dân tộc”.

Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Lê Văn Tú cho biết, thời gian qua, địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Có thể nói, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là niềm mơ ước, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Sầm Sơn, nhất là những nhân chứng lịch sử - người trực tiếp tham gia tập kết trên chuyến tàu.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ là “địa chỉ đỏ” để người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch và tìm hiểu, ôn lại các giá trị truyền thống tốt đẹp, hào hùng của lịch sử dân tộc.

Thời gian đã lùi xa, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 70 năm mãi mãi là mốc son chói lọi, để lại nhiều bài học quý, sống động, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn ghi nhớ, khắc sâu, phát huy và nâng lên tầm cao mới những bài học đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, tỉnh Thanh Hoá sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực, ý nghĩa dịp kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc như cầu truyền hình tổ chức vào 18 giờ ngày 1.9.2024 tại 3 điểm cầu: Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa); Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh); Khu Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954, TP Cao lãnh (Đồng Tháp).

Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình” dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.2024.

Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) dự kiến tổ chức vào ngày 27.10.2024.

Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn dự kiến tổ chức vào 20 giờ ngày 27.10.2024.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc