Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ

VHO – Ngày 12.10, tại Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), UBND huyện Hạ Hòa phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn: “Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”.

Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ - Anh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng phát biểu

Dự Hội thảo có Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng ; lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL, huyện Hạ Hòa cùng các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia và đại diện cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, tín ngưỡng, tâm linh của Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đánh giá toàn diện và cụ thể thực trạng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND huyện Hạ Hòa, Sở VHTTDL cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và tâm huyết của đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ mong muốn, trong thời gian tới, các đại biểu tiếp tục đóng góp những ý kiến quý báu để làm sáng tỏ hơn giá trị cốt lõi của di sản, đưa ra khuyến nghị các biện pháp bảo vệ một cách hiệu quả, thiết thực, bền vững, biến di sản trở thành tài sản, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ - Anh 2

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu

Theo ông Hồ Đại Dũng, công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị” là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Đây là hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng mang giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh công đức Quốc Mẫu Âu Cơ; là điểm nhấn quan trọng để tuyên truyền giá trị di tích, khẳng định vị thế của Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Di tích lên hạng quốc gia đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa, nhân dân Đất Tổ Hùng Vương cũng như đồng bào cả nước, con Lạc cháu Hồng bốn phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà nghiên cứu, học giả tập trung trí tuệ, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… của Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Quan trọng hơn là đưa ra được các giải pháp, giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả hơn công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trên tinh thần “biến di sản thành tài sản” đưa các giá trị di sản văn hóa thành lợi thế phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững…

Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ - Anh 3

 Các chuyên gia văn hoá đóng góp ý kiến

Hội thảo gồm ba phần chính: Đền Mẫu Âu Cơ; Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - những vấn đề chung; giá trị và biện pháp bảo vệ và sự phát triển bền vững. Ban tổ chức đã nhận được 19 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra ý kiến đóng góp công phu, tâm huyết xung quanh chủ đề của hội thảo. Các đại biểu dự hội thảo đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc như: Từ huyền thoại Lạc Long Quân - Âu cơ, suy nghĩ về tâm thức dân tộc thời lập quốc; Nhận diện giá trị “Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ” ở Hạ Hòa, Phú Thọ trong đời sống đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ”; Kết nối Đền Mẫu Âu cơ với các di tích ở Hạ Hòa, thực trạng và giải pháp; Xây dựng các chương trình giáo dục di sản để bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Đền thờ tổ Mẫu Âu cơ…

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tham dự Chương trình thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ do CLB Đạo Mẫu Việt Nam cùng Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thực hiện.

Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu cơ - Anh 4

Toàn cảnh Hội thảo

Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt, xã Hiền Lương (Hạ Hoà, Phú Thọ), Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.

Đền Mẫu Âu Cơ tồn tại đã qua hơn 5 thế kỷ, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, được các triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong công nhận. Ngày 3.8.1991, Đền Mẫu Âu Cơ đã được cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngày 23.1.2017, Bộ VHTTDL quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 31.1.2020, bức tượng mẫu Âu Cơ thờ trong chính điện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

THÀNH VŨ

Ý kiến bạn đọc