Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị
VHO - Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 29.4.2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên khu vực có diện tích khoảng 454,15 ha; thuộc địa giới hành chính các phường 1, phường 2, phường 3 và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), xã Hải Phú (huyện Hải Lăng), xã Triệu Trạch và xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị; là không gian bao quanh các khu vực có liên quan đến Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Mục tiêu lập quy hoạch di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm năm 1972; tôn vinh tinh thần bất khuất, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất quê hương; giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước.
Đồng thời cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29.12.2023.
Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo quyết định, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm:
Các di tích, điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, tỉnh Quảng Trị; các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc của các di tích.
Các di sản văn hóa phi vật thể: Các lễ hội truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương nơi có di tích.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan.
Vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận để kết nối, phát triển du lịch.
Nội dung Nhiệm vụ lập Quy hoạch di tích bao gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích;
Nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, nhận diện đặc trưng, yếu tố gốc cấu thành di tích, các giá trị tiêu biểu của di tích làm cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di tích;
Dự báo và xác định các chỉ tiêu phát triển của khu vực lập quy hoạch: Nhu cầu sử dụng đất, phát triển du lịch;
Xác định các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, chỉ tiêu phát triển du lịch để áp dụng lập quy hoạch; xác định nội dung định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới…
Giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về quản lý quy hoạch (mô hình quản lý, cơ chế phối hợp liên ngành, cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng);
Giải pháp về đầu tư; giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ di tích; giải pháp phối hợp liên ngành; giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích.
Quyết định nêu rõ, UBND tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch; phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp với Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định.

Để thực hiện cuộc hành quân tái chiếm, quân đội VNCH đã huy động 4 sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia với lực lượng tương đương 17 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của quân đội Mỹ hỗ trợ.
Để ngăn chặn và đánh bại cuộc hành quân này, lực lượng Quân Giải phóng đã huy động Trung đoàn 48, Sư đoàn 320; Sư đoàn 308; 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Trị; sau đó có thêm Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Tiểu đoàn 8 của trung đoàn 64; lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị… cùng các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng du kích các xã thuộc 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng.
Cuộc chiến đấu chống phản kích, tái chiếm của lực lượng Quân Giải phóng với quân đội VNCH diễn trong vòng 81 ngày đêm, từ ngày 28.6.1972 đến ngày 16.9.1972, trên một địa bàn rộng lớn bao gồm huyện Hải Lăng, một phần huyện Triệu Phong và trên toàn thị xã Quảng Trị.
Bắt đầu từ cuối tháng 7, tại các trận địa chốt thuộc các hướng vào thị xã Quảng Trị, các cuộc giành giật quyết liệt giữa Quân Giải phóng với quân đội VNCH diễn ra vô cùng ác liệt.
Đặc biệt là ở các cứ điểm vùng ven, ngoại vi thị xã như: Long Hưng, Tri Bưu, La Vang, Long Quang, Bích La, Ngô Xá... các chiến sĩ Quân Giải phóng đã chiến đấu không mệt mõi trong một hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm. Từ đầu tháng 9.1972, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt ở khu vực thị xã Quảng Trị và Thành cổ.
Sự ác liệt của bom đạn, sự thương vong từ cả hai phía đã làm cho cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ trở thành một chiến trường điển hình về sự khốc liệt của chiến tranh Việt Nam. Tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Quân Giải phóng đã dựng nên tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cuộc chiến đấu chống phản kích tái chiếm bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ trong 81 ngày đêm năm 1972 qua đi đã để lại nhiều địa điểm ghi dấu chứng tích chiến tranh ác liệt; đồng thời thể hiện tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Quân Giải phóng.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học tiêu biểu di tích “Thành cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9.12.2013, gồm 7 địa điểm di tích thành phần:
Thành cổ Quảng Trị (Phường II, thị xã Quảng Trị);
Ngã ba và nhà thờ Long Hưng Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng);
Nhà thờ Tri Bưu (Phường II, thị xã Quảng Trị);
Trường Bồ Đề (Phường III, thị xã Quảng Trị);
Bến sông Thạch Hãn (Bờ Nam (Phường II, thị xã Quảng Trị) có các công trình: Nhà tưởng niệm, Bến thả hoa, Quảng trường Giải Phóng, Tháp chuông Thành cổ; Bờ Bắc (Phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) có các công trình: Đền tưởng niệm, Bến thả hoa, Tượng đài);
Chốt Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong);
Chốt Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong).