“Thổi hồn” cuộc sống vào di sản, có nên không?
Bài 4: Bồi dưỡng di sản bằng con người
VHO - Thiết chế bảo vệ, thay đổi cách thức tương tác cùng di sản, để di sản gần hơn với cuộc sống, “thổi hồn” thời đại vào di sản, đó là điều ngành Văn hóa và bảo tồn cần kiên định đặt ra, nghiên cứu và thực nghiệm.
Song quan trọng hơn, từ góc cạnh tương tác, bảo tồn di sản ra sao, câu chuyện lại cần quay về chính với vai trò con người tham gia vào công cuộc đó. Ông Lê Trí Công, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Pa tại Đà Nẵng nhận xét, bồi dưỡng di sản bằng chính đầu tư vào con người, ấy là cách làm tốt nhất!
Tôn vinh những bàn tay nghệ nhân?
Nỗi hứng khởi đối với ông Lê Trí Công, là thông tin Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Huế đã tổ chức trao thưởng cho 111 nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề tham gia trùng tu Điện Thái Hòa.
“Đây là lần đầu tiên, tôi nghe nói đến một sự trao thưởng như vậy. Lâu nay sau mỗi dự án trùng tu, chỉ nghe nói đến những giá trị to lớn, những nguồn tiền đầu tư, rồi khen thưởng lãnh đạo đơn vị này kia, chứ ít khi, thậm chí chưa hề có chuyện những người thợ xây, thợ mộc được vinh dự. Ngành văn hóa Huế đang làm một động thái cực kỳ trân quý và trong góc độ duy tu bảo tàng, cá nhân tôi ca ngợi điều đó”, ông Lê Trí Công nói.
Theo ông Công, nỗi lo của những người làm nghiên cứu như ông là liệu các di sản sẽ tồn tại được bao lâu trước dòng chảy thời gian. Mỗi câu chuyện về phục chế đền này miếu kia, từ Hội An đến Mỹ Sơn và đi xa hơn nữa, luôn loay hoay ở vai trò con người, là chính các nghệ nhân, thợ thủ công.
Bàn tay lao động của họ, trí tuệ sáng tạo của họ là khối kinh nghiệm đúc kết bằng xương máu, bằng cuộc đời bao người đi trước, là những giá trị “vô địch” nhằm bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn hình hài các di sản. Vậy tại sao, chúng ta không thể vinh quang, ca tụng “những bàn tay” đó?
“Hãy tưởng tượng 100 năm nữa, khi một tháp Chăm bị hư hại do mưa gió, lấy đâu ra gạch đá được nung đúc bằng chính kỹ nghệ chế tạo truyền thống của dân tộc Chăm, nếu ngay từ hôm nay, chúng ta không bồi dưỡng, chăm lo cho những người thợ và con cháu của họ tiếp tục theo nghề, tiếp tục học hỏi những kinh nghiệm, kỹ thuật về nghề?”, ông Lê Trí Công nhấn mạnh.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ, những câu chuyện bảo tồn bảo tàng, đặc biệt với quần thể di tích Cố đô Huế, có lẽ ai cũng tiếp cận, biết được. Nhưng, Điện Thái Hòa do ai chủ thầu thi công, dùng công nghệ kỹ thuật nào về mộc, về nề; rồi Cửu Đỉnh do ai quản lý lò đúc, lò luyện, nhân công dùng kỹ thuật gì xử lý các khuôn đúc? Câu hỏi này, cần phải lật ngược thời gian, để thấu hiểu những vấn đề ẩn sau các giá trị di sản.
“Có thể nói, hiện vật, công trình là những thành quả xây dựng, kiến thiết bởi vật chất mà chúng ta có thể cầm nắm sờ mó được, nhưng còn những “ẩn ngữ” về trình độ người thợ xây dựng, chế tác nên kiến thức công nghệ mà họ có được, họ áp dụng, thì chúng ta khó thể nắm bắt được, có thể mãi mãi là câu hỏi treo lơ lửng trong kiến thức của chúng ta. Vậy, tại sao chúng ta từ hiện tại, lại không lo phát hiện, chăm sóc và tôn vinh những con người còn lại của cả quá trình vận động, tập hợp tinh hoa trí tuệ ấy?”, ông Phan Thanh Hải nói.
Cần nguồn lực đầu tư vào con người
Ông Phan Thanh Hải chia sẻ, đã có những câu chuyện rất kỳ thú ở Trung Quốc và nhất là Nhật Bản, về cách thức tổ chức duy tu, bảo tồn những di sản văn hóa. Ấy là chính quyền giao cho các tộc họ, gia đình, thôn xóm đảm nhận chăm sóc các công trình, điểm đến di sản.
Có cả những quỹ tài chính được xây dựng từ khai thác nguồn thu bán vé, nhận tài trợ cho các công trình di sản, để quay lại bồi đắp, hỗ trợ đời sống người dân, các gia đình nghệ nhân, người thợ ở chính di sản đó. Phương thức này đánh trúng tâm lý trách nhiệm của chính quần thể cư dân và cổ vũ những thế hệ người thợ, người thầy tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, bảo vệ, duy tu di sản.
Lấy kinh nghiệm đó, Cố đô Huế đang định vị những cách thức tiếp cận di sản từ góc cạnh “con người”. Lấy người dân làm trung tâm di sản, nhưng thực chất người dân ở vai trò nào, đó mới là vấn đề then chốt. Khi hoạt động quản lý bảo tồn di sản, khai thác du lịch di sản, được gắn liền với niềm vinh dự của một tộc họ, một xóm nghề, có những nghệ nhân cụ thể, người thợ cụ thể, nhất là các thế hệ con cháu tiếp theo của họ, thì hiệu quả thu lại sẽ rất khác biệt.
Đây cũng là tâm niệm mà ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND Hội An theo đuổi. Ông cho rằng, đô thị cổ Hội An là cả một khối tài sản quý báu, để giữ gìn được khối tài sản đó, cần chung sức của tất cả cộng đồng.
Nhất là UNESCO vinh danh di sản văn hóa Hội An, thật ra không phải nhằm bảo vệ đơn thuần các công trình, nhà cửa mà vận động xây dựng, bảo vệ khối không gian cộng đồng cư dân Hội An. Chính không gian đời sống của con người Hội An là không gian di sản của Hội An.
Mà không gian ấy, chính là những gia đình người thợ may tài hoa, người họa sĩ truyền thần tỉ mỉ… Từ cái bánh bao bánh vạc, đến những món đồ gốm, đồ gỗ trong phố cổ, phải thể hiện được trình độ tay nghề và tâm niệm của người thợ làm nên, mới thực sự định vị di sản trường tồn.
“Cần một chiến lược dài lâu, về quan tâm bảo vệ, chăm sóc con người gắn liền di sản. Đó là những nghệ nhân, đời thợ, cần cải thiện cuộc sống cho họ, nhưng xa hơn là những nguồn quỹ, chính sách xây dựng, hỗ trợ cho con cháu họ yên tâm nối nghiệp, theo nghề. Có lẽ, câu chuyện ngành văn hóa đề xuất nguồn vốn phát triển văn hóa, chính là những con số đầu tư vào nguồn lực con người như vậy. Đã như thế, thì tầm nhìn đầu tư vào di sản của chúng ta phải khác đi”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.