“Thổi hồn” cuộc sống vào di sản, có nên không?

Bài 2: “Giả lập” những không gian di sản là cần thiết

THUỴ BẤT NHI - TẠ ĐÌNH DŨNG

VHO - “Làm mới” các không gian di sản, để không duy trì một cung cách, thái độ “bất khả xâm phạm” tới di sản là điều nên tính toán, cân nhắc. Bởi lẽ nếu chỉ chăm chăm giữ nguyên hiện trạng di sản, nỗ lực bảo vệ “khô cứng” các không gian di sản, chỉ cho du khách tiếp cận đến xem và giữ khoảng cách, liệu có bao nhiêu du khách sẽ thật sự “hiểu” di sản?

Nhất là với giới trẻ, vốn dĩ đã bị những hạn chế tâm lý nhất định của lứa tuổi, của môi trường tương tác thế hệ, di sản sẽ càng là một khu vực “cấm địa” không nên va chạm vào. Điều ấy sẽ càng khiến các thế hệ trẻ “tránh né” di sản và thực sự các bài học, thông tin về di sản với thế hệ trẻ, chỉ còn là những lời tung hô tán tụng nào đó xa lạ, thậm chí khó hiểu.

“Hơn nữa, nếu tại những thời điểm lễ hội, dịp điển lễ thờ cúng nào đó, mà tại các di sản chỉ có những đoàn nghệ thuật múa ca, biểu diễn những tiết mục “sân khấu hóa”, thì người xem lại càng không hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa, lịch sử từ di sản; thậm chí những hoạt động ồn ào đó có thể còn làm ảnh hưởng đến không gian thờ cúng, chốn thiêng liêng của người xưa là điều cấm kỵ”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ - Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam nhấn mạnh như vậy.

Bài 2: “Giả lập” những không gian di sản là cần thiết - ảnh 1
Du khách dùng đắm chìm trong không gian di sản

Để thay đổi được điều đó, theo ông Lê Trí Công, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Pa tại Đà Nẵng, cần có những quy tắc, bộ ứng xử thân cận hơn với các di sản, di chỉ, hiện vật bảo tàng theo góc cạnh “càng đời sống hóa càng tôn vinh” cho di sản “sống lại”. Có thể hiểu cách ứng xử này khi nhìn vào các hoạt động, nghi lễ đang diễn ra ở các điểm đến, đình chùa… mang tính chất dân gian hiện nay.

Tại các khu vực chùa chiền có giá trị văn hóa, lịch sử di sản, người dân cho đến nay, vẫn có những phương cách tiếp cận, tổ chức nghi lễ nghiêm trang, hợp lý. Đơn cử tại Huế, Hội An, không ít hoạt động nghi lễ dân gian, tín ngưỡng dân gian, tục lệ thờ cúng, tâm linh, tôn giáo… vẫn đang được người dân duy trì ổn định và trang trọng.

Những lễ hội Điện Hòn Chén, những không gian văn hóa Tết Nguyên tiêu, Tết Trung Thu... vẫn đang được đông đảo người dân háo hức đón chờ vào đúng các dịp tiết lễ, cho thấy vấn đề bảo toàn di sản từ thực chứng đời sống là nên có.

“Những di sản trong đời sống, gắn bó với đời sống tâm linh, được người dân tiếp tục nuôi dưỡng, tất yếu phải để người dân duy trì và qua đó, vấn đề du khách tiếp cận, xâm nhập là cần thiết, nên ủng hộ”, ông Lê Trí Công đánh giá.

Góc nhìn này của ông Công, điểm đúng vào một số yêu cầu về bảo tồn di sản lâu nay, các điểm đến, di sản văn hóa “bị” khóa cứng ở cửa vào ra, “bị lập hàng rào” cách biệt với người tham quan, trong khi điều kiện có thể cho phép tương tác, tìm hiểu đơn giản, sẽ giúp du khách và người dân thấu hiểu hơn về văn hóa di sản tại chính điểm đến di sản.

Vấn đề mà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa di sản khác quan tâm, muốn đặt ra, là các bộ quy tắc, ứng xử với di sản một cách “đời sống hóa” nên được xây dựng, thiết chế thế nào?.

Qua những tranh luận, các chuyên gia nghiên cứu chỉ rõ hai hướng tương tác nên có tại các di sản văn hóa.

Thứ nhất, công tác bảo vệ, an ninh an toàn cho di sản cần được “số hóa, công nghệ hóa” tốt hơn và hiệu quả hơn. Điều này gần gũi với quan niệm lâu nay về bảo vệ di tích, hiện vật, ở ý nghĩa bảo tồn nguyên vẹn. Thay vì để đông đảo du khách tiếp cận, sờ mó, đụng chạm làm ảnh hưởng hiện vật, các bảo tàng, khu vực trưng bày, điểm đến di sản.

Nên “số hóa” hình ảnh, biến thành những thước phim, clip trình chiếu, mô phỏng 3D để người xem trải nghiệm, tìm hiểu qua các thông tin cung cấp rõ ràng, đầy đủ. Phương thức này, xem ra còn giúp hình ảnh, câu chuyện di sản “được trực tuyến” trong không gian mạng, từ đó giúp quảng bá, chia sẻ tốt hơn hình ảnh di sản.

Ông Lê Trí Công đặt vấn đề: “Ở các vị trí trưng bày cụ thể, hiện vật sẽ có hàng rào bảo vệ và các cụm camera quan sát, theo dõi, vậy tại sao không mã hóa thông tin về hiện vật ấy bằng các mã QR chẳng hạn, để du khách được tiếp cận nhanh gọn và hợp lý hơn.

Cách thu hút người ta tìm hiểu cũng đơn giản, thông qua những cuộc thi, chương trình thưởng quà… nào đó tại điểm đến di sản, vào thời điểm lễ tết, có sự kiện; theo đó người đến với di sản sẽ háo hức hơn”.

Hơn nữa, theo ông Công, việc “số hóa” sẽ giúp chính giới trẻ tương cận di sản khi đi cùng gia đình, người lớn tuổi. “Bọn trẻ sẽ tự hào giúp đỡ bố mẹ đọc thông tin về di sản được số hóa, đó không phải là một cách giúp chúng học tập về di sản sao?”, ông Công lý luận.

Thứ hai, tại các điểm di sản, nên hình thành khu vực “giả lập di sản” để tương tác với du khách và người dân tốt hơn. Ý tưởng này, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tỏ ra tâm đắc và theo ông, cũng đã được nhiều điểm đến di sản thế giới nghiên cứu.

Nghĩa là ngay kề khu vực di sản chính, cần xây dựng, thiết kế những không gian trải nghiệm “giả lập”, tạo hứng thú cho du khách và người dân. Vấn đề này, chiếu xét theo các bảo tàng sẽ càng nên được quan tâm.

“Thay vì chỉ quy định bọn trẻ không được chạm vào hiện vật, tại sao chúng ta không có những “khu hiện vật giả”, mô phỏng đúng hiện vật để tổ chức các trò chơi, tổ chức không gian tìm hiểu, khám phá về di sản, lịch sử văn hóa ở di sản. Từ đó, giúp giới trẻ vui chơi, tìm hiểu thông tin về di sản văn hóa, qua những khu giả lập, mô hình hóa như vậy, sẽ làm sinh động di sản hơn”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đặt vấn đề.

Đây chính là câu lý giải của ông về sự việc các học sinh, thiếu niên xâm phạm vào các hiện vật tại Bảo tàng Quân sự: “Chính tâm lý tò mò đã khiến những đứa trẻ vi phạm các quy định, thì tại sao không biến tò mò ấy thành câu chuyện để hấp dẫn bọn trẻ đến vui chơi và học tập tại di sản, bảo tàng?”.