“Thổi hồn” cuộc sống vào di sản, có nên không?
Bài 1: Tiếp cận di sản bằng “không gian di sản”
VHO - Mới đây, dư luận đã có những phản ứng gay gắt khi hình ảnh nhiều hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Quân sự Việt Nam bị các học sinh, trẻ nhỏ va chạm trong buổi tham quan do các trường học và phụ huynh tổ chức.
Bên cạnh những đề nghị làm rõ các hành vi xâm hại hiện vật, ý thức của phụ huynh khi để xảy ra tình cảnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị, phải chăng ngành di tích bảo tồn nên có một hướng ứng xử khác, để người tham quan tiếp cận các di sản di tích một cách gần gũi hơn.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ - Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, một trong những người dày công nghiên cứu và tham gia các hoạt động bảo tồn, bảo tàng cổ vật, hiện vật… chia sẻ, ông đã nhiều lần cùng tham gia các đoàn nghiên cứu, khảo cổ quốc gia và quốc tế, để tìm hiểu hiện trạng và vấn đề bảo tồn di sản.
Qua những cọ xát đó, ông cho rằng, hướng tiếp cận với các di chỉ, di tích di sản lâu nay của các cơ quan quản lý và khảo cứu du lịch, nên chăng cần những góc nhìn thay đổi. “Nên tiếp cận các di sản, bằng chính những không gian di sản, để làm các di sản sống động và ý nghĩa hơn”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhìn nhận.
Họa sĩ chia sẻ hai câu chuyện đích thân ông trải nghiệm. Ông Hỷ kể, năm 1999, ông được cử dẫn đoàn khách tham quan di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam), chính là đoàn Đại sứ Ấn Độ sang Việt Nam và đến Quảng Nam. Theo kế hoạch, đoàn đến thăm khu đền tháp cổ Chăm Pa. Khi tới đây, bà phu nhân Đại sứ Ấn Độ với bộ trang phục trắng đơn giản đi trước đoàn, và bước vào khu đền.
Là người dẫn đường, Họa sĩ Hỷ nhanh nhẹn bước vào trước và khi nhìn lại, ông nhận ra phu nhân Đại sứ cùng mọi người đang tháo bỏ giày dép để bước vào. “Thiệt tình lúc đó, tôi không nghĩ phải có nghi thức đó, vì khu đền đã lâu không được quét dọn chu đáo và thường thì du khách vào tham quan cũng đi giày dép vào.
Tôi lập tức quay qua, cúi đầu xin lỗi mọi người trong đoàn và cũng tự tháo bỏ đôi giày của mình. Tuy nhiên, phản ứng của cả đoàn rất tự nhiên. Họ dường như không để ý gì đến hành động của tôi, mà chỉ trang trọng lo các hành vi nghi lễ của mình.
Bà phu nhân Đại sứ cùng mọi người bước vào đền với vẻ thành kính mà rất tự nhiên, như họ trở về với chính ngôi nhà thờ của họ vậy.
Mỗi bước chân, mỗi động tác cúi đầu, nghiêng vai của họ, đều biểu lộ một thái độ cung kính, nhẹ nhàng, như đang đối diện với thần linh và tổ tiên của họ”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ.
Theo ông, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất một phái đoàn ngoại giao bên ngoài giúp ông hiểu ra một vấn đề.
Đó là văn hóa di sản không chỉ nằm ở hiện vật trưng bày hay di chỉ, điểm đến mà liên quan đến tâm thức tôn giáo, niềm tin trong mỗi con người đã tiếp xúc và trân trọng di sản.
Một đền thờ, một lăng mộ luôn hoài chứa bên trong những niềm tin tâm linh mãnh liệt, khi bước vào đó, con người cần trân trọng như tất cả những thần khí, không gian thờ cúng đang tiếp tục tồn tại rực rỡ.
“Những kiến nghị của tôi sau đó, yêu cầu luôn giữ thanh sạch, du khách bỏ giày dép khi bước vào các không gian di sản, những nơi chốn trưng bày, thờ tự, đã được nhiều người ủng hộ và chúng tôi luôn xác định, di sản cần được trân trọng như một không gian sống vĩnh hằng vẫn có nhịp đập, hơi thở cuộc sống, chứ không phải là những không gian im lìm khô cứng”, họa sĩ nhấn mạnh.
Chia sẻ tiếp câu chuyện thứ hai, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết, mới đây, chuẩn bị cho ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), ông cùng một số cộng sự đưa hai du khách Canada đến thắng địa Mỹ Sơn. Cũng như hơn 20 năm trước, ông gặp lại một đoàn du khách Ấn Độ đang bước vào chiêm bái khu đền Chăm Pa.
“Rút kinh nghiệm, tôi cùng các du khách đứng nép trong lòng tháp B1, đền thờ chính Mỹ Sơn và không có thuyết minh gì.
Đoàn du khách Ấn Độ bước vào, hai người dẫn đầu lặng lẽ bước đến bên hiện vật là bộ Linga – Yoni bằng đá để lộ thiên tự nhiên.
Người đàn ông lớn tuổi lặng lẽ cầm chai nước sạch ở tay phải, từ từ rót trên đầu Linga, để nước từ từ làm ướt xuống Yoni. Người phụ nữ bên cạnh đưa tay đỡ người đàn ông và bắt đầu đọc những lời kinh cầu nguyện thành kính.
Những người khác đều vây quanh và nghiêm cẩn nhìn hình thức nghi lễ ấy, vốn có tên là Abhishekam, lễ Đổ nước lên Linga”.
Kể đến đây, họa sĩ “mở ngoặc”, có một số người thắc mắc về việc các du khách tiếp cận trực tiếp đến di vật di sản như thế có xâm hại, làm ảnh hưởng không, hành vi làm lễ ấy có nên bị cấm không?.
“Tôi sực nghĩ rằng, có lẽ chúng ta cần có một quy tắc ứng xử khác, bên cạnh những quy định an toàn, an ninh cho các di sản, hiện vật lâu nay.
Ấy là với những hiện vật, di sản tự nhiên, đặt ở không gian di sản nhất định, nhất là những di sản thiên nhiên và văn hóa đời sống, mà du khách tìm đến thăm với tâm tức chiêm bái, tìm hiểu, thực thi các nghi lễ tôn giáo nhất định, nên chăng cần tạo điều kiện để họ tương tác.
Điều ấy sẽ làm đổi khác không gian di sản, thực sự thổi hồn cuộc sống vào di sản và làm di sản có sức sống trở lại.
Phải chăng, thay vì chỉ là những đoàn khách đến chụp ảnh, nhìn ngó quan sát đầy tò mò, chúng ta cần xây dựng, bảo vệ và tôn tạo những không gian văn hóa di sản đời thật hơn, đưa du khách đến trải nghiệm, tận hưởng thời cơ hiểu biết hơn về các di sản văn hóa của chúng ta, từ thực tiễn niềm tin, tín ngưỡng trang trọng”.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ phân tích như vậy và theo ông, câu chuyện bảo tồn di sản với góc nhìn này không còn đơn giản là thành lập tổ bảo vệ, hướng dẫn đầy nguyên tắc nữa. Tiếp cận di sản bằng không gian di sản, không phải là ý tưởng mới, nhưng rất cần!