Xây dựng và bảo vệ không gian văn hóa Hồ Chí Minh
VHO- Khái niệm “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo cách dễ hiểu nhất bao hàm ý nghĩa là một vùng lãnh thổ, địa lý, dân cư cụ thể mà ở đó chứa đựng những di sản văn hóa vật thể và giá trị văn hóa tinh thần phi vật thể mang đậm dấu ấn của Người. Vùng lãnh thổ địa lý đó là dải đất hình chữ S của nước Việt Nam là không gian sinh tồn của 54 dân tộc. Ở đó, Hồ Chí Minh được tôn vinh là “Cha già dân tộc” vì Người đã lãnh đạo toàn dân đứng lên tranh đấu thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, giành lại độc lập dân tộc và thành lập “nước Việt Nam DCCH”.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” còn là sự kế thừa và kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam nhưng không áp đặt hay đứng trên tất cả mà cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa sắc thái của 54 dân tộc, đó là nền văn hóa vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không giới hạn trong đường biên giới cứng của nước Việt Nam mà còn lan tỏa với tầm vóc quốc tế. Dấu ấn văn hóa Hồ Chí Minh rõ nét nhất ở những nước đã giành được độc lập dân tộc từ tấm gương là cuộc chiến đấu quả cảm của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã đánh bại các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất thế giới.
Di sản văn hóa vật thể mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh trên lãnh thổ Việt Nam là những di tích lịch sử. Những nơi Người đã ở để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng và tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Đó là những địa danh như Pác Bó, Tân Trào, quảng trường Ba Đình, nhà sàn… và bao gồm cả những công trình kinh tế, xã hội được xây dựng từ ngày Việt Nam độc lập như nhà máy, đường giao thông, công trình thủy lợi, thành phố…
Quan trọng hơn là những giá trị văn hóa tinh thần phi vật thể mang đậm dấu ấn phẩm chất Hồ Chí Minh về “Trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống và uy tín đỉnh cao của Hồ Chí Minh”. Tất cả chứa đựng trong những tác phẩm bất hủ như: Tuyên ngôn độc lập, Di chúc Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm lý luận chỉ đạo đường lối cách mạng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…Những di sản ấy dường như đã trở thành chuẩn mực về văn hóa, đạo đức nên nhiều người Việt Nam coi đó như một tín ngưỡng và Hồ Chí Minh như một “Thánh nhân”. Có lẽ các bậc vĩ nhân trên thế giới hiện đại chỉ có Hồ Chí Minh được người dân của mình gọi là “Bác Hồ” với sự tôn kính và gần gũi như người trong gia tộc. Phải chăng sự giản dị và gần dân là một nét tính cách độc đáo và là đỉnh cao về văn hóa, đạo đức của Hồ Chí Minh nên Người đã được thế giới tôn vinh là “Danh nhân văn hóa” và “Anh hùng giải phóng dân tộc”.
Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa những phẩm chất của bậc minh triết - Người thể hiện ý chí mãnh liệt: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” nhưng cũng rất ung dung, tự tại để có những vần thơ chỉ đạo chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thiết thực nhất là thực hiện có hiệu quả cuộc vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, biến thành phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhằm biến những giá trị văn hóa cao đẹp của Hồ Chí Minh thành tình cảm, ý chí, nghị lực của người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo vệ không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc với tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh: “Không gì quý hơn độc lập tự do” là kiên định đường lối độc lập kinh tế, độc lập ngoại giao. Bảo vệ “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” cũng chính là thực hiện tốt công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống lại những căn bệnh của cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, chạy chức quyền, thoái hóa đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa… Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận CNXH, xuyên tạc lịch sử.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN