Xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội: Chưa phù hợp!
VH- Thông tin Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp UBND TP Hà Nội về việc đóng góp ý kiến đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận tỉ lệ 1/2.000 đã ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận.
Theo nội dung văn bản phúc đáp của Bộ Xây dựng, riêng nội dung Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội đề xuất cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi 98,1 ha,có vị trí trung tâm của 4 quận nội thành với phạm vi quy hoạch trên địa bàn 8 phường, đề xuất nhiều nội dung cải tạo chỉnh trang đô thị với quy mô lớn về xây dựng công trình ngầm và công trình nổi, tái định cư; trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (40 – 70 tầng) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc – cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung, chưa phù hợp với quy hoạch chung.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị, TP Hà Nội cần làm rõ giải pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng. Bổ sung và làm rõ các nội dung tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch.
Liên quan nội dung này, cách đây gần bốn tháng - thời điểm UBND TP Hà Nội xin ý kiến các Bộ, ngành về đồ án quy hoạch Ga Hà Nội và vùng phụ cận - Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với yêu cầu “thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững”.
Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ là hoàn toàn chính xác. Được xây dựng từ năm 1902, Ga Hà Nội không đơn thuần là một công trình giao thông công cộng. Đó là một di tích lịch sử, một phần của văn hóa- kiến trúc Hà Nội. Điều khó hiểu là tại điều 9 của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành vào tháng 4.2016 nói rõ, khu vực xung quanh Ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng. Ngay cả điều 7 (khu vực hai bên tuyến phố hướng tâm) của Quy chế cũng quy định rõ phía Tây đường Lê Duẩn (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Hai Bà Trưng) nằm trong khu vực Văn Miếu và phụ cận không được xây dựng công trình cao tầng; phía Tây đường Lê Duẩn (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) kiến trúc công trình phải đảm bảo phù hợp với cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn Ga Hà Nội.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Xây dựng, nhiều chuyên gia cũng đã đặt vấn đề: Không chỉ phá vỡ quy hoạch mà trong khi Thủ đô đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô tăng chóng mặt thì tại sao lại tự“phá rào”, đề xuất xây cao ốc từ 40-70 tầng ở khu vực hạn chế chiều cao, liệu có tình trạng “lợi ích nhóm” và quy hoạch theo kiểu bán đất, hạ tầng Ga cho doanh nghiệp?
Phan Thanh Nam