Xâm phạm nghiêm trọng di sản, trách nhiệm thì “dàn đều”
VH- Đã qua cái hạn chót ngày 15.6 với bao lần xin gia hạn, nhưng công trình “con voi chui tọt lỗ kim” ở ngay vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, vẫn chưa thể được tháo dỡ triệt để theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình. Trước thông tin này, có vị chuyên gia bình phẩm với kiểu giọng “nửa đùa, nửa thật” rằng, “hôm nay làm chưa xong thì ngày mai chúng em làm tiếp chứ có gì đâu mà các bác cứ loạn hết cả lên thế. Cứ chờ đấy, kiểu gì rồi cũng… hoàn thành”.
Đó là một chuyện, nhưng một vấn đề khác cũng quan trọng không kém và rất được dư luận quan tâm, đấy là trách nhiệm để xảy ra công trình “con voi” ấy cuối cùng thuộc về ai, và ai sẽ chịu trách nhiệm chính? Về việc này thì mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ký “Thông báo Kết luận thanh tra những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, quần thể danh thắng Tràng An và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An”.
Người viết đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần văn bản Thông báo dài tới những 7 trang này, và cố tìm ra cho được cơ quan hay chính quyền cấp nào phải chịu trách nhiệm chính khi để “mọc” lên lù lù một công trình khủng khiếp như thế giữa lòng di sản. Thế nhưng càng tìm kiếm bao nhiêu thì càng tỏ ra thất vọng bấy nhiêu bởi dường như Sở, ngành nào cũng có dính một phần trách nhiệm. Nói cách khác, trách nhiệm này được “chia đều” chứ không thấy sự “đứng mũi chịu sào” cho cái sai phạm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đối với di sản thế giới ở Việt Nam.
Văn bản Thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ, “Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với từng nội dung vi phạm…, đối chiếu với chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, trách nhiệm thi hành công vụ, tiếp tục tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ mức độ vi phạm, xác định trách nhiệm, khuyết điểm, đề xuất hình thức xử lý người đứng đầu, các tập thể và cá nhân có liên quan, đặc biệt là việc xử lý thiếu triệt để, kém hiệu quả, kéo dài đối với công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ, báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân về UBND tỉnh để xem xét hình thức kỷ luật theo quy định, thời gian xong trước ngày 30.6.2018”. Cứ theo nội dung này thì rất nhiều Sở, ngành phải kiểm điểm nhận trách nhiệm, gần như không từ một ai. Còn trách nhiệm của chính quyền địa phương thì văn bản chỉ “quét” qua một, hai dòng: “Trước hết thuộc về Chủ tịch UBND xã Trường Yên, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan”, và không hề có từ nào đề cập đến hai ông Chủ tịch ấy (xã, huyện) phải làm kiểm điểm trách nhiệm.
Đến đây người viết lại nhớ phát biểu của một lãnh đạo Thanh tra của một Bộ khi về kiểm tra công trình sai phạm ở núi Cái Hạ, rằng cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý di sản trên địa phương đã phát hiện từ rất sớm việc xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ. Với chức trách của mình, họ đã năm lần bảy lượt có văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư đề nghị phải vào cuộc kiên quyết để xử lý công trình này. Thậm chí, cực chẳng đã cơ quan đó còn gửi văn bản báo cáo với UBND tỉnh tường tận sự việc. Nhưng rồi sao, công trình sai phạm to hơn cả con voi ấy vẫn chui tọt qua các cấp chính quyền, sừng sững đón khách xem như không có chuyện gì xảy ra. Đến cả Bộ cũng không đủ thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế công trình sai phạm đó chứ chưa nói đến Sở, ngành, địa phương. Và, chỉ đến khi dư luận báo chí vào cuộc thì ai nấy mới đều “tá hỏa” cả lên.
Thời gian từ giờ đến cuối tháng chẳng còn bao lâu nữa, hẵng đợi và chờ xem trách nhiệm sẽ được “chia đều” như thế nào?
NGUYỄN HÒA