Văn hóa Việt Nam qua những lá thư của Bác Hồ gửi một số Tổng thống Mỹ

VHO - Nhiều người đều biết, tháng 9.2023, nhân chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tặng ông Joe Biden một món quà văn hóa “rất Việt Nam” - đó là cuốn sách: “Một con người, một con đường, một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”.

Cuốn sách được làm thủ công độc bản trong gần 3 tháng, với thiết kế bìa, hộp làm từ da đặc biệt, mặt bìa hộp làm bằng gốm men lam do các nghệ nhân Huế thực hiện.
Qua những bức thư của Bác Hồ in trong cuốn sách này, chúng ta kính phục tầm nhìn chiến lược, khát vọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác với nhân dân Mỹ để xây dựng đất nước sau khi Việt Nam giành được chính quyền từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 15.1.1946, Bác viết lá thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman thông báo những hậu quả nghiêm trọng mà thực dân Pháp đã gây ra đối với Việt Nam và hòa bình thế giới. Cuối thư, Người bày tỏ sự mong muốn được hợp tác và sự giúp đỡ của Mỹ: “Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước”. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 16.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi Tổng thống Harry Truman bày tỏ mong muốn được hợp tác toàn diện với Mỹ: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. 
Tiếc rằng, chính giới Mỹ lúc đó đã không đáp lại tấm thịnh tình và nguyện vọng chính đáng của Chính phủ và nhân dân ta.
Kể từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục gửi thư đến các tổng thống Mỹ, thể hiện lập trường của Việt Nam là kiên định thực hiện mục tiêu đấu tranh giành hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ ngày 4.11.1956, Người đã lên án Tổng thống Mỹ Eisenhower và người thừa kế những lãnh tụ vĩ đại của Mỹ, thường nói đến hòa bình, chính nghĩa…, nhưng trong hành động thực tế đối với Việt Nam đã làm trái ngược với chính nghĩa, hòa bình: “Ngài đã khuyến khích chính quyền miền Nam phá hoại hiệp định Giơnevơ, ngăn trở Việt Nam thống nhất. Ngài đã đưa vào miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự Mỹ, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự và một thuộc địa của Hoa Kỳ…”.
Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tháng 2.1967, sau khi tố cáo tội ác của quân đội Mỹ đã gây ra ở cả hai miền Nam - Bắc của Việt Nam, Người đặt ra câu hỏi: “Trong thư, ngài tỏ ra xót xa trước những đau đớn, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi ngài, ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay”. Và Người yêu cầu: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam…”.
Người còn có những lá thư, bức điện gửi đến nhân dân Mỹ với lời lẽ chân thành, hữu nghị và cả sự biết ơn vì những đoàn thể, nhân sĩ tiến bộ của Mỹ đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam: “Mặc dù Chính phủ Mỹ đã và đang phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam, chúng tôi không hề lẫn lộn chúng với nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa mà chúng tôi vẫn kính trọng. Với sự phấn đấu bền bỉ của nhân dân Mỹ, nhất là thanh niên, học sinh Mỹ, kết hợp với sự đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, tôi tin chắc rằng, phản động Mỹ sẽ thua, nhân dân hai nước chúng ta sẽ thắng. Lúc đó nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ sẽ bắt tay nhau trong hòa bình và hữu nghị…” (Thư gửi học sinh Mỹ ngày 15.5.1964).
Ngày 25.8.1969 (9 ngày trước khi qua đời), Bác Hồ đã có lá thư cuối cùng gửi nước Mỹ, trả lời Tổng thống R. Nixon: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình... Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không còn sự can thiệp của nước ngoài”.
Chắc rằng, những lá thư này, từ tổng thống đương nhiệm cũng như các chính khách cùng nhân dân Mỹ sẽ hiểu rõ hơn thiện chí hòa bình, hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với nhân dân Mỹ đã có từ ngày lập nước năm 1945 - một phẩm chất đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đã được Bác Hồ thể hiện sinh động trong những lá thư nêu trên. Chúng ta càng hiểu vì sao, sau 20 năm (từ sau năm 1975) Mỹ đã bao vây, cấm vận ròng rã, đất nước ta vẫn không sụp đổ; và giữa năm 1995, Chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chủ động tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Từ đó đến nay, 5 tổng thống Mỹ đã nối nhau đến thăm Việt Nam. Năm 2015, Tổng thống Mỹ Obama đã mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức nước Mỹ và đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng với nghi lễ nguyên thủ quốc gia. Mới đây, Tổng thống Joe Biden sang thăm Việt Nam để nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện bước phát triển mới, là minh chứng sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, mà Đảng ta và nhân dân ta kiên định, bền bỉ vận dụng và nhất quán thực hiện: Gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, vượt qua khác biệt, nhân lên tương đồng, vì lợi ích của hai nước và hai dân tộc.
Sức mạnh của văn hóa Việt Nam nói chung, của văn hóa ngoại giao Việt Nam nói riêng, mà điều cốt lõi là lòng yêu nước, sự thủy chung, tinh thần nhân ái, bao dung, luôn mở rộng vòng tay hữu nghị, đón bạn bè năm châu của dân tộc ta mãi mãi tỏa sáng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh bất diệt! 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH 

Ý kiến bạn đọc