Văn hóa ứng xử với dân
VHO- Xây dựng văn hóa ứng xử giữa chính quyền và người dân có ý nghĩa chiến lược ở tầm vĩ mô vì đó là yếu tố quyết định tính ổn định chính trị - xã hội. Điều đó có thể thấy rõ ở các nước đã qua “Cách mạng màu” luôn bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, khủng bố, bạo loạn, đời sống nhân dân khó khăn hơn trước...Vậy tại sao người dân lại nổi dậy lật đổ chính quyền cũ để phải chịu những gì tồi tệ hơn?
Nguyên nhân chính là phe đối lập do bên ngoài hỗ trợ tài chính và xây dựng kịch bản kích động số quần chúng bất mãn nổi dậy lật đổ chính quyền. Nhưng tại sao người dân lại bất mãn trong khi đời sống lúc đó còn khá hơn sau “Cách mạng màu”?
Điều đó một phần liên quan trực tiếp đến vấn đề văn hóa ứng xử giữa chính quyền và người dân. Khi chính quyền và luật pháp không bảo vệ được quyền lợi chân chính của người dân lương thiện trước những bất công, hoặc nhân viên chính quyền đối xử với dân một cách quan liêu, cửa quyền, hống hách... thì đó là những điểm yếu mà phe đối lập khai thác để kích động quần chúng. Sau “Cách mạng màu”, khi thành phần cơ hội nắm quyền, người dân mới nhận ra là mình đã thay đổi sự tồi tệ này bằng sự tồi tệ hơn.
Từ kịch bản trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến “Cách mạng màu” không hẳn chỉ do bên ngoài xúi giục mà còn là sự cộng hưởng của văn hóa ứng xử không tốt giữa chính quyền với người dân. Vì vậy ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã phát động phong trào và trao giải “Nụ cười công chức”, “Nụ cười công sở”.
Việt Nam được thế giới nhìn nhận như một trong những đất nước ổn định nhất về chính trị, xã hội. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì văn hóa ứng xử cũng còn không ít những chỗ yếu. Trước hết là công cuộc cải cách hành chính tuy đã đạt được những thành tựu nhất định do số hóa nhưng vẫn còn những trường hợp khiếu kiện hàng chục năm chưa giải quyết. Cách đây mấy năm một tờ báo đăng tin một lãnh đạo thành phố chỉ cần 30 phút để giải quyết xong một vụ khiếu kiện tồn đọng 10 năm. Người dân không khen việc giải quyết nhanh của vị lãnh đạo này mà chê vì sự việc dễ như thế mà sao 10 năm không chịu làm.
Ngoài ra, còn không ít những trường hợp khác như khu dân cư bị ô nhiễm, người dân thiếu nước ngọt, đường sá, cầu cống hư hỏng... đã phản ảnh, báo cáo nhưng hàng chục năm chưa được giải quyết.
Người dân không thể tiếp xúc với tất cả hệ thống lãnh đạo. Họ chỉ đánh giá chính quyền qua cán bộ cơ sở thấp nhất như công an giao thông, công an khu vực, Ủy ban nhân dân phường, tổ dân phố... Đó là những “điểm chạm” trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân nên văn hóa ứng xử hết sức nhạy cảm và cũng là khâu yếu hiện nay.
Ở nhiều nơi cán bộ cấp phường trở lên rất ít tiếp xúc trực tiến với dân mà giao hết cho tổ trưởng dân phố. Mỗi lần họp chỉ đủ thời gian thu các loại tiền đóng góp, giải quyết mâu thuẫn nội bộ... nên nhiều chủ trương chính sách từ trên không “ngấm” xuống đến dân.
Xây dựng văn hóa ứng xử giữa chính quyền và người dân chính là thực hiện tốt hai chức năng: Một là kiến tạo, phục vụ người dân lương thiện, hai là trấn áp các thành phần bất hảo. Như vậy văn hóa ứng xử đâu phải chỉ cần “Nụ cười công chức” mà quan trọng hơn là năng lực và trách nhiệm của công chức với nhân dân, nhất là trong thời kỳ cả nước đang gồng mình chống dịch.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN