Văn hóa “nhường đường” sao khó thế?
VH- Có thể nói, tình hình chấp hành an toàn giao thông ở nước ta thời gian qua chưa được tốt, các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.
Ở đây chúng tôi chỉ đề xuất giải pháp xây dựng “văn hóa nhường đường” trong tham gia giao thông. Có thể nói nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn, ùn tắc là do ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, ý thức chấp hành an toàn giao thông, văn hóa “nhường đường” của nhiều người dân còn rất hạn chế. Minh chứng là khi xảy ra ùn tắc người tham gia giao thông cố chen lấn, tràn lên vỉa hè hoặc bất cứ ngõ ngách nào với mục đích làm sao vượt qua người khác, đi trước mọi người có thể. Chính điều này đã làm cho tình trạng ùn tắc càng thêm kéo dài, nghiêm trọng hơn, bởi như vậy sẽ càng “dính chùm”, lộn xộn khó thoát ra được.
Điều này khác hẳn với một số nước tiên tiến trên thế giới, mà rõ nhất là Nhật Bản. Ở đó khi càng ùn tắc giao thông hoặc có bất cứ sự cố khẩn cấp, bất thường nào dù nguy hiểm đến đâu thì mọi người vẫn rất bình tĩnh, trật tự. Cứ theo nguyên tắc “ai đến trước đi trước, ai đến sau đi sau”, thậm chí nhiều người còn nhường nhịn lẫn nhau, tuyệt đối không xảy ra chen lấn, xô đẩy, tranh cướp để được đi trước. Và như vậy, họ cùng nhau thoát ra sự cố, thiên tai với thiệt hại thấp nhất có thể! Rất đáng khâm phục, noi theo.
Người Nhật chấp hành pháp luật, kỷ luật rất nghiêm. Đặc biệt, họ luôn tuân thủ nguyên tắc, tôn trọng pháp luật, bình tĩnh, kiềm chế với ý thức, tinh thần tự giác rất cao, nhất là ý thức tôn trọng người khác. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không làm được như người Nhật, chí ít thì được 50 - 60%? Nhiều người tin rằng nếu có quyết tâm, chúng ta cũng sẽ làm được. Bởi lẽ, dưới góc độ truyền thống văn hóa, nền tảng tinh thần quốc gia chúng ta không thua kém Nhật Bản, điển hình là nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử mà đất nước ta luôn biết cách vượt qua!
Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này cần có nhiều việc phải làm, cần sự quyết tâm, kiên trì của cả xã hội. Theo chúng tôi, có thể chúng ta cần bắt đầu từ việc xây dựng và thực hiện văn hóa “nhường đường” trong tham gia giao thông. Từ đó, chúng ta có thể tiếp tục xây dựng được những điều to lớn hơn, tốt đẹp hơn. Đó là ý thức tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật và tinh thần yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau giữa mọi người dân trong nước.
Các cơ quan chức năng cần triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện văn hóa “nhường đường” trong tham gia giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân. Trước mắt, là trong các trường học nhằm trang bị, giúp các em học sinh, thế hệ trẻ có được ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật, từ đó, hình thành nên nền tảng, hạt nhân lan rộng trong thế hệ trẻ và toàn xã hội. Nếu làm được điều này, có thể chỉ 5 đến 10 năm nữa ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nguyên tắc pháp luật sẽ trở thành tư tưởng chủ đạo của người dân Việt Nam.
Khi đó, không chỉ giải quyết triệt để, căn cơ vấn nạn giao thông đang diễn biến phức tạp, làm nhiều người ức chế, cản trở sự phát triển đất nước mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với các vấn đề khác của xã hội. Trên kết quả đạt được đó, nhất định sẽ góp phần tích cực làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn, tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng ít đi và đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
ThS PHẠM VĂN CHUNG