Tuyệt đối an toàn nhưng cũng cần “khoe” bảo vật quốc gia
VHO- Đến thời điểm này Chính phủ đã công nhận hơn hai trăm hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, và chắc chắn con số này sẽ chưa dừng lại ở đây. Dường như ai cũng biết, “bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học”, vì thế, bên cạnh công tác bảo quản, bảo vệ thật tốt và an toàn thì rất cần đưa bảo vật quốc gia ra gần hơn với công chúng, chứ không nên vinh danh rồi lại... khư khư cất vào kho.
Có một thực tế mà những ai quan tâm đến đều biết lâu nay công chúng tham quan khó lòng tiếp cận, thưởng lãm, nghiên cứu những hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, vì có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Cũng vì vậy, đối với hiện vật cỡ nhỏ thì được cất giữ kín đáo trong kho, còn đối với hiện vật thể lớn thì dùng vải bạt quấn kín lại, rồi bảo quản nơi ít người biết đến. Đề cập đến chuyện này, một chuyên gia thẩm định cho biết, khi chưa công nhận là bảo vật quốc gia thì những hiện vật, nhóm hiện vật ấy còn được đưa ra triển lãm, giới thiệu với công chúng. Còn khi đã được gắn “vương miện” thì hầu như bảo vật quốc gia được bảo vệ, bảo quản đến mức luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Đành rằng việc triển khai các phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật, trong đó có biện pháp như phòng, chống cháy nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia..., phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng nếu chú trọng quá mà quên việc giới thiệu, triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn cũng là điều nên xem xét lại. Nói như vị chuyên gia thẩm định cổ vật, chúng ta đang đề cao quá mức việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia trong khi dường như quên lên kế hoạch phát huy, quảng bá bảo vật đến với công chúng và du khách. Trong bối cảnh hiện nay và với nhu cầu tham quan của công chúng, thu hút du khách tới thưởng ngoạn thì việc tổ chức giới thiệu, trưng bày, quảng bá bảo vật quốc gia càng cần được chú trọng đầu tư, nghiên cứu.
Cách đây không lâu, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 801/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia..., trong đó có nhấn mạnh việc phát huy giá trị bảo vật quốc gia: Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Hy vọng, với sự chỉ đạo này, trong nay mai, công chúng và du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về những “tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên...”.
NGUYỄN THANH SƯƠNG