Tùy hứng, tùy tiện!

​VH- Tôi không phải là họa sĩ hay nhà điêu khắc nhưng cuộc sống ưu ái cho được gặp và nhận sự chỉ giáo của nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc có danh của nước nhà nên cũng hiểu đôi điều về cảm hứng nghệ thuật của người sáng tác. Để có tác phẩm nghệ thuật người sáng tác nghệ thuật nói chung và với họa sĩ, nhà điêu khắc nói riêng phải có cảm hứng, cảm hứng trước thiên nhiên, con người, xã hội, cảm hứng trước sự vật, sự việc... nhưng dù là cảm hứng về cái gì thì nhất thiết nó phải là cảm hứng nghệ thuật.

Thiên phú cho người sáng tác là sự cảm hứng đó. Trăng không đẹp cho riêng ai, hoa lá cũng không khoe sắc cho riêng ai… Điện Biên Phủ hào hùng cũng không của riêng ai… nhưng không phải ai cũng sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật để người đời nhớ mãi! Cảm hứng nghệ thuật như cái gốc, cái chất không thể thiếu đối với người sáng tác. Thậm chí có người có được một cảm hứng bất thần mà tạo ra được tác phẩm để đời. Nói vậy, hình như tác phẩm nghệ thuật được tạo nên dễ dàng quá chăng? Không phải thế! Để có được cảm hứng nghệ thuật đích thực, người sáng tác không chỉ trông vào thứ trời phú, thứ thiên bẩm người khác không có, mà thường thì nó được tích lũy từ cuộc sống, nuôi dưỡng nó trong trái tim, trong tâm hồn một cách cẩn trọng, công phu!

Nói theo cách dễ hình dung nó cẩn trọng, công phu, kiên nhẫn như người luyện đan vậy! Luyện bền bỉ nhiều ngày để đến một khi nó thành một chất keo đặc biệt, kỳ lạ, độc đáo để người sáng tác tạo tác nên tác phẩm nghệ thuật.

Chính vì thế nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ai cũng thừa nhận nó, cảm nhận được vẻ đẹp của nó mà không cần phải và có khi không thể lý giải một cách thấu đáo để trả lời: Nó đẹp ở chỗ nào và vì sao? Nếu có ai hỏi tác giả, tác giả có thể trả lời cảm hứng nghệ thuật tạo ra nó, tôi cũng không biết vì sao! Nghệ thuật là cái gì đó rất riêng, nhưng quyết không phải là cái riêng tùy hứng, càng không thể là cái tùy tiện! Cái tùy hứng dễ dãi sẽ tạo ra cái na ná như tác phẩm nghệ thuật! Còn cái tùy tiện thì không thành hình hài nghệ thuật được! Tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thì không thể thêm bớt dù chỉ là một nét, một dấu chấm! Đã có giai thoại về tác phẩm nghệ thuật mà tác giả cảm nhận nó đã đến độ hoàn chỉnh, để ngăn chính mình có thể thêm một nét “thừa” vào tác phẩm nên đã vứt bỏ bút vẽ và tự rời xa tác phẩm để nó được hoàn chỉnh! Nghệ thuật đích thực không có chỗ cho sự thêm, bớt tùy tiện!

Những ngày gần đây, thông tin hết sức ồn ào về những bức tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu. Đáng tiếc lớn nhất là những người có nhiệt tâm muốn làm sinh động, hấp dẫn hơn cho một không gian văn hóa cộng đồng đã không nắm được cái nguyên tắc tối thượng của tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thì không thể thêm hoặc bớt dù một chi tiết nhỏ. Vậy mà “mặc quần” cho tượng, rồi lại “cởi ra” để che cái lá nho hay cái chùm nho gì đấy thì thật không thể chấp nhận được! Nghệ thuật không cho phép đem cái lá nho hay chùm nho theo kiểu bắt chước ấy để che đậy! Càng không thể hành xử như là “quên mặc quần” thì mặc vào cho “lịch sự”! Không cần tranh cãi nhiều, bản thân việc làm tùy tiện ấy thay cho kết luận: Những bức tượng ấy không phải là tác phẩm nghệ thuật đích thực! Công chúng không thừa nhận nó là có lý không thể bàn cãi!

Nhân đây chúng tôi muốn nói đôi điều về không gian văn hóa cộng đồng ở các địa phương khắp trong cả nước. Làm cho không gian văn hóa cộng đồng sinh động hơn, đẹp hơn, gần gũi hơn với cuộc sống đương đại, được nhiều người yêu thích hơn…, đó là ý tưởng cần hết sức trân trọng và khuyến khích. Nhất là ở nước ta đang rất thiếu tượng, biểu tượng ngoài trời đạt trình độ cao về nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải thiếu mà cố làm cho được! Càng không thể làm một cách tùy tiện, tùy hứng của một cá nhân nào đó! Tốn kém tiền của dân thì càng phải tránh, nhưng ngay khi “xã hội hóa” bằng tiền của ai đó cũng là của cải xã hội cũng không thể tùy hứng được.

Vấn đề ở đây không chỉ là tiền bạc mà còn là nghệ thuật, là văn hóa thẩm mỹ nơi công cộng, nơi mà du khách thập phương có thể thưởng ngoạn và đánh giá về văn hóa của địa phương mình, đất nước mình. Bởi vậy không có chỗ cho việc tùy hứng! Càng không thể chấp nhận sự tùy tiện. Bộ VHTTDL đã có quy định về việc dựng tượng nơi công cộng. Gần đây lại có công văn nhắc nhở các địa phương về việc này. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải ban hành luật về dựng tượng nơi công cộng. Chỉ có luật mới chấm dứt được sự tùy hứng, tùy tiện. Trong khi chờ luật, người làm văn hóa hãy ứng xử đúng mức với không gian công cộng; Hãy tự dựng hàng rào bảo vệ trái tim, tâm hồn mình trước cái tùy hứng, tùy tiện! Để trái tim công chúng không bị tổn thương vì những điều không đáng có!

TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc