Trách nhiệm và trình độ

VH- Với tư cách là cử tri tôi cảm thấy yên tâm về lá phiếu của mình bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tuy chỉ bầu trực tiếp một số đại biểu nhưng trách nhiệm và trình độ của đại biểu Quốc hội thông qua kỳ họp và đặc biệt là phiên chất vấn vừa qua đã cho tôi niềm tin và sự hào hứng góp thêm tâm huyết vì sự phát triển của đất nước, vì nền dân chủ đã, đang được xây dựng, củng cố và phát triển.

Nhớ lại các phiên chất vấn của Quốc hội khóa XI, khi đó nhiều đại biểu chúng tôi còn “ngập ngừng” trước bài toán “được lòng nhau, mất lòng dân; Được lòng dân, mất lòng nhau”, mới thấy nhận thức, trình độ và trách nhiệm không chỉ của đại biểu Quốc hội mà của cả những người bị chất vấn kỳ này đã có những bước tiến dài. Chất vấn và trả lời chất vấn ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề, hình như không còn vương vấn chuyện “được lòng hay mất lòng”.

Cái mừng lớn là việc cần đến phải đến và đã đến. Là cán bộ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì phải công khai, minh bạch mọi việc làm của mình trước dân. Thành tích, khuyết điểm, nguyên nhân của nó, các biện pháp, giải pháp khắc phục… phải được trình bày rõ ràng trước dân để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Nếu không như vậy thì dân làm chủ, dân là gốc chỉ là hình thức, chỉ là những khẩu hiệu xuông mà thôi.

Đại biểu chất vấn thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là tiếng nói thay mặt, đại diện cho cử tri cả nước. Câu hỏi là của cá nhân nhưng lại là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bởi vậy nó không còn là cá nhân nữa. Như vậy chất vấn và trả lời chất vấn thực chất đang góp phần làm cho Nhà nước gắn với nhân dân hơn, gần dân hơn và cũng là sự tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn nhân dân có thể biết được người này có tâm, có tầm, có tài đến đâu, một khái niệm phải thông qua việc làm cụ thể mới đánh giá được, còn chỉ căn cứ vào lời nói chung chung, hoa mỹ thì nó chỉ “định tính cho cái định tính hình thức không thể đo đếm được”. Và đôi khi còn lệch chuẩn vì lợi ích cụ thể của ai đó dẫn đến “đúng quy trình” mà vẫn lệch xa so với yêu cầu của sự phát triển đất nước, với phẩm chất tốt đẹp và tính trung thực cần có của cán bộ, đảng viên.

Một số vấn đề cụ thể của hai phiên chất vấn vừa qua đã được cử tri của nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao. Đại biểu chất vấn cụ thể các vấn đề được xã hội quan tâm. Có đại biểu còn viện dẫn các số liệu cụ thể làm căn cứ chất vấn sắc, gọn và cũng không kém phần quyết liệt. Chẳng hạn, đại biểu thống kê số trạm thu phí giao thông sai vị trí và những lý do khác dẫn đến bất bình của người dân để chất vấn về trách nhiệm và hướng giải quyết của Bộ trưởng GTVT. Chất vấn Bộ TNMT về rác thải, Bộ LĐ,TB&XH về bạo hành trẻ em…Nói chung, những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề toàn xã hội quan tâm. Trả lời của các Bộ trưởng thể hiện trình độ và trách nhiệm của “tư lệnh” ngành. Trong chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia với tư cách là đại biểu của dân yêu cầu cụ thể hóa trách nhiệm của 17 tổ chức, cơ quan chịu trách nhiệm về trẻ em để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả bảo vệtrẻ em, đồng thời có thể quy trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân trong các vụ việc cụ thể về bạo lực, bạo hành trẻ em.

Không khí chất vấn cởi mở với tinh thần trách nhiệm và trình độ được nâng lên cả trong cơ quan lập pháp và hành pháp là đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng còn nhiều vấn đề muốn được trao đổi sâu hơn, toàn diện hơn. Không khí này, tinh thần này sẽ được tiếp tục trong phiên chất vấn Chính phủ vào ngày mai. Cái mà nhân dân mong chờ không phải là “được lòng dân” mà là sự công khai, minh bạch, có trách nhiệm và trí tuệvì sự phát triển bền vững của đất nước.

TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc